Bá Thước, vùng đất ẩn mình nơi đại ngàn bao la của xứ Thanh, không chỉ chứa đựng trầm tích lịch sử văn hóa dày sâu, mà còn mang vẻ đẹp hoang sơ, đầy bí ẩn.
Nếu như kiến tạo địa chất qua hàng ngàn năm ban tặng cho Bá Thước nhiều thắng cảnh tự nhiên; thì con người nơi đây, bằng trí tưởng tượng phong phú, đã dệt nên bao câu chuyện thần thoại, tô điểm thêm vẻ đẹp của thiên nhiên, khơi gợi những khát khao tìm hiểu, khám phá của du khách muôn phương đối với vùng non xanh kỳ thú này.
Hang cá thần Văn Nho (Bá Thước). Ảnh: L.G.
“Đến Bá Thước mà không đi thăm hang cá thần, thì cũng xem như chưa đến”, ông Trương Văn Kín, nguyên cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bá Thước vui vẻ nói với chúng tôi điều đó. Ông tình nguyện là người dẫn đường, đưa chúng tôi đi tham quan hang cá thần Văn Nho - một trong 3 hang cá thần nổi tiếng của xứ Thanh (cùng với hang Cẩm Liên, Cẩm Lương của huyện Cẩm Thủy).
Từ trung tâm huyện, theo con đường trải nhựa, chúng tôi vào Văn Nho. Đất Văn Nho xưa thuộc vùng Mường Ống, Mường Ký - những xứ mường thần thoại, nơi sản sinh ra nhiều giá trị văn hóa lịch sử độc đáo của dân tộc Mường. Cái tên Văn Nho được đặt theo tên của Hà Văn Nho - người con ưu tú của Mường Ký - một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương.
Theo lời ông Kín, trước đây, đường vào hang cá thần Văn Nho nhỏ hẹp, gập ghềnh. Muốn tới được hang, du khách phải đi bộ qua một đoạn đường dài. Ở thời điểm hiện tại, đường mở rộng, ô tô có thể tiến sát gần cửa hang, nên việc tham quan trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Hang cá thần Văn Nho hiện ra trước mắt chúng tôi với vẻ đẹp hoang sơ độc đáo. Hang nằm dưới chân một ngọn núi, phần lộ thiên là hồ nước nhỏ hình bán nguyệt, tựa lưng vào núi đá. Nước từ trong lòng núi chảy ra trong vắt. Khi chúng tôi đến, hồ nước chỉ lơ thơ một vài con cá, khiến cả đoàn đôi phần thất vọng.
Ông Hà Văn Kín cười, rải một một nắm ngũ cốc xuống nước. Tức thì, trong hang ngầm nối từ hồ vào lòng núi, hàng trăm con cá túa ra, tranh nhau đớp mồi, rồi nhởn nhơ bơi lội; tạo nên một khung cảnh đặc biệt kỳ thú. Những con cá đủ mọi kích thước, to có, nhỏ có, tỏ ra rất dạn người.
Dân địa phương tin rằng, những con cá lớn nhất vẫn ẩn thân đâu đó trong lòng núi, chưa bao giờ xuất hiện. Trước đây, có đoàn thám hiểm đã lặn qua hang ngầm vào sâu trong lòng núi. Bên trong, có một hồ nước rộng chừng 50 m2, là nơi đàn cá tập trung đông nhất. Sở dĩ, hang cá thần Văn Nho có thể tồn tại đến ngày hôm nay, là bởi xung quanh thắng cảnh này ẩn chứa nhiều câu chuyện dân gian mang đẫm sắc màu thần thoại.
Theo người dân Mường Ký, hang cá gắn với số phận người con gái bản Chiềng Ban. Nàng nổi tiếng xinh đẹp, dịu hiền, giỏi làm nương, dệt vải. Một hôm, nàng đến hang chơi. Khi đang dạo bên ngoài, giông gió bỗng nổi lên, cuốn nàng vào trong lòng núi. Dân bản đồn rằng nàng đã bị thuồng luồng bắt làm vợ. |
Đến ngày mẹ mất, nàng cùng chồng trở về chịu tang mẹ. Chồng nàng do thuồng luồng biến thành, tướng mạo dị thường, khôi ngô, tuấn tú. Viếng mẹ xong, giông bão lại nổi lên, nàng và chồng biến mất, từ đó không về bản nữa. Câu chuyện có nhiều dị bản, song đều kết luận rằng, “bà cá chúa” trong hang là do người con gái Chiềng Ban hóa thành.
Có người còn khẳng định, đã từng nhìn thấy “bà cá chúa”, với chiếc vảy màu vàng lấp lánh gần mang, tựa như chiếc khuyên vàng ngày xưa nàng đeo.
Cũng bởi câu chuyện linh thiêng truyền đời ấy, mà người dân địa phương tôn thờ loài cá sống trong hang. Người ta tin rằng, nếu ai làm hại cá thì đều không tránh khỏi họa lớn trong đời.
Có lẽ vì thế, suốt hàng trăm năm qua, khắp cả vùng Mường Ký, không một ai dám bắt cá về ăn. Hang cá Văn Nho được gìn giữ qua năm tháng, qua bao thăng trầm của xứ Mường, và giờ đây đang dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Bá Thước.
Từ hang cá thần, ông Trương Văn Kín dẫn chúng tôi lần bước theo những bậc thang để lên lưng chừng núi, cách mặt đất chỉ khoảng vài chục mét. Ăn vào vách núi đá là một hang nông, nơi đặt ban thờ nhỏ thờ tự các lãnh tụ của phong trào Cần Vương.
Điểm đặc biệt nhất trong hang đá này là có một bọng đá nhỏ nhô ra, rỗng bên trong, chỉ vừa một người ngồi. Theo lịch sử địa phương, đó chính là nơi thủ lĩnh phong trào Cần Vương Tống Duy Tân ẩn mình. Khi phong trào khởi nghĩa Hùng Lĩnh do Tống Duy Tân lãnh đạo thất bại, thực dân Pháp đàn áp dữ dội, cho quân vây ráp khắp vùng Mường Ký để lùng bắt Tống Duy Tân.
Ông tìm về đây, giấu mình trong hang đá, trong sự bảo bọc, che chở của người dân Mường Ký, chờ thời cơ khôi phục lại cuộc khởi nghĩa. Nhưng vì sự phản bội của Cao Ngọc Lễ, quân Pháp cuối cùng cũng lần ra nơi ông ẩn náu. Bắt được Tống Duy Tân, chúng tìm mọi cách khuất phục ông nhưng đều không thành, bèn đem xử tử.
Trong không gian u tịch của núi rừng Mường Ký, hương khói nhang trầm mặc như nhắc nhớ mãi cháu con về những người anh hùng một thuở, đã không ngại xả thân vì độc lập tự do cho đất nước, quê hương. Di tích hang cụ Tống Duy Tân góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp lịch sử bi tráng hào hùng cho hang cá thần Văn Nho, tạo nên một quần thể du lịch nổi bật, giàu ý nghĩa trên đất Mường Ký, Văn Nho.
Ngày nay, cùng với thác Muốn, thác Hiêu, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, hang Cổ Sinh, Di chỉ Mái Đá Điều... hang cá thần Văn Nho đang trở thành điểm nhấn du lịch đặc biệt của Bá Thước. Vẻ đẹp của thiên nhiên, nền tảng văn hóa và lịch sử, cùng tình cảm nồng hậu của đồng bào các dân tộc đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho vùng đất này. Điều đó hứa hẹn, trong tương lai không xa, Bá Thước, mảnh đất với vẻ đẹp kỳ thú ẩn mình nơi núi rừng bao la, sẽ trở thành viên ngọc quý trên bản đồ du lịch xứ Thanh. |