Tăng trưởng kinh tế luôn là vấn đề hàng đầu đối với mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Kinh tế tăng trưởng tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đất nước về mọi mặt, như: Tăng vốn tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; nâng cao đời sống người dân; cải thiện các vấn đề về phúc lợi công cộng: văn hóa, giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo…
Kinh nghiệm của các nước đang phát triển trên thế giới và trong khu vực như: Hàn Quốc, Singapo, Nhật Bản và các nước phát triển như Mỹ, Đức,… chỉ ra cho chúng ta thấy, biện pháp để đưa nền kinh tế các nước đi lên phát triển một cách bền vững là phải dựa vào việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ (KH&CN).
Với Việt Nam, coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực cho tăng trưởng kinh tế cũng là quan điểm xuyên suốt trong dòng chảy lịch sự phát triển của kinh tế nước nhà.
Khoa học và Công nghệ - đầu tàu kéo kinh tế tăng trưởng
Tại Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nền khoa học – kỹ thuật Việt Nam mới được hình thành và từng bước phát triển theo hướng hiện đại hoá nhằm đáp ứng yêu cầu của Cách mạng, phấn đấu đạt đến mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm phát triển KH&CN, phục vụ đắc lực cuộc cách mạng kỹ thuật thời chiến, giành thắng lợi trong chiến tranh và xây dựng tiềm lực sẵn sàng tiến hành cuộc cách mạng khoa học trên quy mô lớn với trình độ cao sau khi chiến tranh kết thúc.
Khoa học và Công nghệ - đầu tàu kéo kinh tế tăng trưởng bền vững.
Song do xuất phát điểm từ nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, trình độ khoa học – công nghệ - kỹ thuật tuy có phát triển nhưng vẫn chậm chạp và thua kém so với trình độ chung của các nước trong khu vực.
Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Kinh tế từng bước phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, GDP của nước ta tăng trưởng liên tục từ năm 1990 đến 2000 với mức tăng trưởng bình quân 7,35%. Trong vòng 10 năm, quy mô GDP tăng từ 6,5 tỷ USD lên 33,64 tỷ USD (gấp 5,18 lần). Đỉnh điểm, năm 2007, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 8,5%, mức cao nhất kể từ năm 1997.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng ta đã sớm có các định hướng và chỉ đạo đúng đắn về vị trí, vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, luôn coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi để KH&CN phát triển. Quan điểm coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa được khẳng định và quán triệt trong nhiều văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới.
Trước Đại hội VI, Đảng ta đã xác định cách mạng khoa học – kỹ thuật là then chốt trong ba cuộc cách mạng của thời kỳ khôi phục và kiến thiết đất nước sau thống nhất. Đại hội VI (1986) coi KH&CN là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội VII (1991) khẳng định KHCN là nền tảng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội Đảng VIII (1996) và Đại hội IX (2001) coi KHCN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội X (2006) nhấn mạnh vai trò động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế tri thức. Đại hội XI (2011) đề ra đường lối đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và KH&CN giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững.
Từ sự quan tâm của nhà nước về phát triển KH&CN, Việt Nam đã đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực khoa học - xã hội – nhân văn, khoa học tự nhiên, xây dựng, công nghệ thông tin, truyền thông, y học. Những thành tựu này đã đóng góp không nhỏ ngăn chặn tình trạng suy giảm kinh tế nước nhà khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái.
Không chỉ vậy, sự phát triển như vũ bão của KH&CN, nhất là trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất. Từ đó, làm cho chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện theo hướng bền vững và ổn định.
Kết quả là, GDP từ mức 66,37 tỷ USD vào năm 2006 đến năm 2018 đã đạt 244,98 tỷ USD, năng suất tổng hợp tăng dần từ giai đoạn 2006 – 2010 đạt 17,2%; đến giai đoạn 2011 – 2015 đạt 33,58%; đến giai đoạn 2016-2018 đạt 43,29%.
Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 43,3% trong giai đoạn ba năm 2016 - 2018; giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 43,5%. Tính chung 10 năm 2011 - 2020 vượt mục tiêu chiến lược đề ra (35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016 - 2018 đã tăng lên 5,8%/năm.
Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới sáng tạo năm 2018, Việt Nam đã đạt kết quả trong việc tiếp cận với kiến thức KH&CN của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư cho KH&CN, ĐMST và đã đạt được kết quả tương xứng.
Điều này một lần nữa khẳng định, tăng trưởng cao và tăng trưởng bao trùm vừa qua của kinh tế Việt Nam có đóng góp rất quan trọng của nhân tố KH&CN.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh (thứ hai từ trái sang) tham quan nhà máy chế biến công ty thủy sản Cases.
Khoa học và công nghệ thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của phát triển kinh tế nước nhà, nông nghiệp luôn được đặt ở vị trí trung tâm và là ngành mũi nhọn quan trọng trong phát triển kinh tế. Thế nhưng, ngành nông nghiệp Việt Nam luôn đứng trước nhiều khó khăn thách thức như sản xuất manh mún, biến đổi khí hậu cực đoan, dịch bệnh và hội nhập kinh tế quốc tế,… Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa vì thế đã trở thành điệp khúc quen thuộc đối với người nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
Từ thực tế này, Đảng và Nhà nước đã xác định, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa vào KH&CN và ưu tiên đầu tư cho KH&CN. Trong nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết Trung ương 7 đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn; tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Xây dựng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực khoa học - công nghệ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ; thu hút thanh niên, trí thức trẻ về nông thôn, nhất là các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hoá...”.
Mô hình chăn nuôi công nghệ cao tại Đông Anh, Hà Nội
Với chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã chủ động xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành hệ thống văn bản khá đầy đủ, đồng bộ, toàn diện về cơ chế, chính sách cho việc thực hiện các hoạt động KH&CN, nhất là cho các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như: Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (gọi tắt là Chương trình nông thôn miền núi); Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2020; Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia về Phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen. Ngoài ra, Bộ KH&CN đã phối hợp cùng Bộ NN&PTNT triển khai Chương trình Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản, Chương trình KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Trong 60 năm qua, đặc biệt là hơn 30 năm kể từ khi Đại hội VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, KH&CN nước ta đã đổi mới cách nghĩ, cách làm để hoà nhập với đổi mới chung về kinh tế - xã hội. Những nỗ lực của Bộ KH&CN đã góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của toàn xã hội về vai trò động lực của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa KH&CN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nhờ áp dụng các công nghệ mới trong chọn tạo giống cây trồng, thời gian chọn tạo giống cây trồng mới đã giảm xuống còn từ 3-5 năm, thay vì 7-10 năm như trước đây, nên trung bình hàng năm Bộ NN&PTNT đã công nhận hàng chục giống mới/năm. Từ đó nhanh chóng gia tăng diện tích trồng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, tính chống chịu tốt. Hiện nay cả nước đã có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả... được dùng giống mới và KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của nông sản. Năm 2017, Việt Nam đã trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản trên thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt con số 36,37 tỷ USD.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng thành tựu Khoa học&Công nghệ tại các địa phương.
Việc nghiên cứu, xây dựng các tiến bộ kỹ thuật mới, đã có 203 tiến bộ kỹ thuật mới (TBKT) được công nhận, bao gồm lĩnh vực Trồng trọt công nhận 94 TBKT; lĩnh vực chăn nuôi - thú ý 56 TBKT; lĩnh vực thủy lợi 30 TBKT; lĩnh vực Thủy sản 9 TBKT và Lâm nghiệp 51 TBKT.
Đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30% thông qua sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao và quy trình sản xuất tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và khẳng định được tính đúng đắn, hiệu quả của hướng sản xuất này.
KH&CN thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo chuỗi giá trị, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều công nghệ mới được áp dụng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, điều nhân, hạt tiêu và gạo… Xuất hiện các doanh nghiệp công nghệ cao ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, nhiều doanh nghiệp không chỉ đầu tư nhà máy với dây chuyền hiện đại mà còn đầu tư các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, đủ điều kiện để thực hiện các nghiên cứu tại doanh nghiệp, giúp các nhà khoa học đến với thực tiễn sản xuất và tạo cơ hội để công ty doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ.