Lớp học của “thầy giáo tay ngang”
Mười năm nay, bà con trong con hẻm nhỏ phường Hiệp Thành (quận 12, TP.HCM) đã quá quen thuộc với tiếng ê a đọc bài của lũ trẻ con ở Lớp học tình thương Ngọc Việt. Lớp do anh Huỳnh Quang Khải, một thầy giáo “tay ngang” và vợ gây dựng, dành cho những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, những em bé hoàn cảnh khó khăn không thể đến lớp.
Một ngày trước Ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam, anh Khải lên Facebook, thở dài: “Hôm nay con bé đã nghỉ học!”. Điều đó khiến anh buồn rất lòng, đau đáu hơn về tương lai của những đứa trẻ:
“Chào thầy! Thầy cho bé Ly nó nghỉ nó đi làm tiếp gia đình nhé thầy!
- Dạ nếu đi làm cho qua năm sau rồi đi được không chị? Gần hết năm rồi cho bé học hết năm rồi nghỉ chị. Bé nó mới có 14 tuổi à, tội nó…!”.
Đáp lại lời năn nỉ, phụ huynh cô trò nhỏ trả lời: "Cho nó đi làm phụ gia đình chứ chị nó có bầu, 2 vợ chồng tui kinh tế khó khăn quá…”. Nghe vậy, anh Khải càng thêm nghẹn ngào.
Lớp học tình thương Ngọc Việt của anh Khải thỉnh thoảng được các tình nguyện viên đến giao lưu, chia sẻ với các em nhỏ.
Hơn 10 năm mở lớp, 47 học trò hiện tại là 47 hoàn cảnh khác nhau, các em đều có thể bỏ lớp bất cứ lúc nào, vì gánh nặng mưu sinh.
Thế nhưng, anh Khải không bỏ cuộc. Để giữ chân được những đứa trẻ ở lớp, anh Khải không những không lấy tiền học phí hay bất cứ khoản thu nào mà còn luôn phải đạp xe đến nhà, đi tìm và động viên các em cố gắng học tập.
Ở lớp học Ngọc Việt, ngoài Toán và Tiếng Việt, anh Khải còn chia sẻ những kinh nghiệm sống của bản thân cho những cô cậu học trò, hy vọng các em sau này ra đời, trở thành những người tử tế, lương thiện.
Một buổi học tập đọc của học sinh lớp học Ngọc Việt.
Em Tiêu Thị Khánh Ly - một học viên của lớp học Ngọc Việt chia sẻ, lúc nhỏ em cũng được đi học ở quê, nhưng khi ba mẹ em chuyển lên thành phố làm công nhân, em phải đi theo.
Lên Sài Gòn, em không còn được đến lớp, thay vào đó, hằng ngày phụ ba mẹ bưng cà phê, dọn dẹp bàn ghế và rửa ly tách… Một dịp tình cờ, Ly được giới thiệu đến lớp học và theo học ở đây được 2 năm rồi.
“Sang năm em không được đi học nữa. Ba mẹ bảo em phải đi làm công nhân để giúp đỡ ba mẹ!”, Ly rưng rức chia sẻ.
Ông giáo Hùng ở lớp Hòa Hảo
Ông Đoàn Minh Hùng (ở đường Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) dù chưa một ngày qua trường lớp sư phạm nhưng vẫn được bà con và các em nhỏ ở đây gọi là thầy. Ông Hùng cũng xuất thân là nông dân, lao động nghèo, phải rời quê hương lên thành phố bươn chải kiếm sống.
Cái duyên tình cờ đưa ông đến với việc mở lớp học tình thương Hòa Hảo cho những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ được học chữ. Ban đầu, chỉ có vài “học trò” là mấy đứa trẻ bán vé số ông gặp được trên đường đi bán đĩa nhạc dạo. Ông gom về dạy chúng đánh vần, rồi viết chữ, làm Toán...
Vợ ông, cũng vì thương mấy đứa nhỏ cả ngày đã phải vất vả mưu sinh, buổi tối bụng đói còn ngồi ê a đọc bài nên đã nấu cơm cho tụi nhỏ ăn. Chỉ là những bữa cơm rau dưa đơn giản nhưng là cả những chắt chiu, tích cóp của hai vợ chồng già.
Dần dần, sĩ số lớp học tăng lên, nhiều em nhỏ biết đến lớp nên đăng ký theo học. Hiện, lớp học tình thương Hòa Hảo của ông Hùng có hơn 100 học viên các lứa tuổi. Ngoài học Toán, Văn, các em còn được các tình nguyện viên dạy tiếng Anh và tiếng Hoa. Thỉnh thoảng, ông Hùng mời các thầy cô giáo đến hướng dẫn các con các lễ nghĩa, cách ứng xử trong cuộc sống…
Các học sinh lớp học tình thương Hòa Hảo học làm thủ công.
“Mấy đứa nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhưng đều rất ham học. Có hôm bị bệnh, cả ngày đã phải đi bán vé số vất vả mà buổi tối vẫn cố gắng đến lớp vì sợ quên bài”, ông Hùng chia sẻ.
Hiện tại, do lớp học có sĩ số khá lớn, trên 100 em, trình độ các bé cũng trải đều từ lớp vỡ lòng (chưa biết chữ) đến lớp 8. Ông Hùng thật thà chia sẻ, ông chỉ có thể dạy các con từ trình độ lớp 2 trở xuống, còn lại lớp cao hơn, ông phải nhờ các thầy cô hoặc sinh viên tình nguyện giúp đỡ.
Dù không trực tiếp đứng lớp, thế nhưng chiều nào ông Hùng cũng có mặt ở lớp học, xoa đầu đứa này, hỏi chuyện đứa kia, rồi vào từng lớp học kiểm tra việc dạy và học của các con. Chỗ nào chưa gọn gàng, chưa trật tự, học sinh nào chưa ngoan, ông Hùng đều chỉnh sửa để các con trật tự, ngoan ngoãn hơn.
“Mình khả năng tới đâu thì góp tới đó, chỉ mong các con biết được chữ, làm toán được rồi còn có cơ hội học nghề, kiếm sống đỡ vất vả hơn”, ông Hùng tâm sự.