Dân Việt

Quảng Nam xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh

Trương Hồng 22/11/2019 11:00 GMT+7
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính quyền điện tử được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Ngày 22/11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và định hướng phát triển kinh tế số trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0”. Tham dự có khoảng 300 đại biểu đến từ các Bộ, ban ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hội thảo này rất quan trọng, giúp quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quyết tâmcủa cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp để có định hướng, hành động cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ này.

img

Ông Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội thảo

“Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính quyền điện tử được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Đến nay công tác ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các cấp, các ngành quan tâm, chủ động đầu tư hạ tầng CNTT, nhiều hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung được đầu tư, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã”, ông Thanh nhấn mạnh.

img

Các đại biểu tham dự hội thảo

Báo cáo nhấn mạnh, đối với nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, hiện UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có chủ trương đề nghị tổ chức KOICA Hàn Quốc hỗ trợ, chọn thành phố Tam Kỳ triển khai thí điểm theo Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2020 - 2025, làm cơ sở cho Quảng Nam trong tổ chức thực hiện phát triển đô thị thông minh trong giai đoạn tới.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các sở ngành phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết này, trọng tâm là: Đầu tư tương xứng điều kiện hạ tầng CNTT phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh; thực hiện hoàn thành việc xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và kết nối các hệ thống ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở và kết nối với các hệ thống của Bộ ngành; nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng CNTT, chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu đã triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp trong các CQNN của tỉnh; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ hiện thực hóa Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận như: Báo cáo dự thảo Đề án xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020-2015; Nghị quyết số 52-NQ/TW và giải pháp định hướng triển khai Nghị quyết, khuyến nghị với chính quyền địa phương; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế chia sẻ, kinh tế số trong chiến lược quốc gia về 4.0; sự chủ động của địa phương; Kinh nghiệm của Ngân hàng thế giới trong hỗ trợ các nước xây dựng CPĐT, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh; Lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.