Liên tục những ngày qua, nhiều người dân đổ xô đến nhà anh Nguyễn Tuấn (ngụ huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) chiêm ngưỡng cây chuối trổ buồng dài hơn 120 nải.
Buồng chuối "khủng"có hơn 120 nải, dài 2,5 m trong vườn nhà anh Tuấn. Ảnh: Minh Hoàng.
Anh Tuấn cho hay ba năm trước cây chuối này đã bắt đầu ra quả nhưng đây là năm đầu tiên có buồng chuối có số nải dày đặc.
"Tình cờ đi du lịch ở miền Tây, tôi được người bạn tặng cho giống chuối này mang về quê trồng. Không ngờ, cây lại trổ buồng có nhiều trái như vậy", anh Tuấn nói.
Do buồng chuối dài hơn 2,5 m, anh phải căng dây, giằng chống trụ để bảo vệ cây chuối không đổ ngã. Hiện những nải chuối đầu tiên có trái khá to và đã bắt đầu chín.
Buồng chuối có hàng chục nải cho trái to, đều. Ảnh: Minh Hoàng.
Trong khi đó, phần hoa chuối còn khá lớn và tiếp tục kết trái to gần chạm sát đất. Anh Tuấn đang lên kế hoạch đào hố xuyên xuống đất cho buồng chuối tiếp tục phát triển.
Nhiều nông dân địa phương quan niệm gia đình nào có cây cối trong vườn ra sai quả là điềm lành cho cuộc sống sung túc. Theo các chuyên gia di truyền, những cây chuối cho hơn 120 nải này là sản phẩm của đột biến gen, do sự phát sinh thừa một loại hoóc môn tạo quả được trồng trên vùng đất màu mỡ.
Buồng chuối tiếp tục cho nải chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: Minh Hoàng.
Còn các chuyên gia nông nghiệp thì cho rằng thông thường cây trồng đạt năng suất cao có thể tùy thuộc vào các nguyên nhân: Yếu tố sinh thái, tuổi sinh trưởng và di truyền.
Hiện tượng cây chuối trổ buồng hàng trăm nải có thể do đột biến gen, kết hợp với môi trường sinh thái, quang hợp tốt nên tác động đến năng suất buồng chuối tạo ra nhiều quả. Đây còn gọi là hiện tượng biến dị của cây trồng.