SỰ THỐNG TRỊ CỦA CHÈ
Chỉ đứng sau nước, chè (hay trà) là đồ uống phổ biến nhất thế giới. Nhưng câu chuyện về nguồn gốc sự nổi tiếng của chè lại không dễ dàng như chính loại đồ uống này.
Khao khát đáp ứng nhu cầu khổng lồ ở cả trong và ngoài nước về trà, đế quốc Anh đã tìm cách phá bỏ sự độc quyền mà người Trung Quốc nắm giữ, đưa thức uống tao nhã này ra thế giới đồng thời phá hủy nền kinh tế Trung Quốc giai đoạn đó.
Sự kết thúc của đế chế chè Trung Quốc cuối cùng xảy đến khi Anh tiến hành một chiến dịch bí mật, cử nhà thực vật học người Scotland tên là Robert Fortune đánh cắp khoảng 23.000 cây chè và hạt giống, từ đó mang chè đi trồng tại những miền đất khác.
Nông dân trồng chè ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Văn hóa chè ở Trung Quốc
Người Trung Quốc đã uống chè từ 2.000 năm trước khi đồ uống này thu hút được sự quan tâm của người Anh. Tư liệu viết sớm nhất về văn hóa chè Trung Quốc được ghi lại trong thơ của Vương Duy, từ thời Tây Hán vào khoảng năm 206 trước Công nguyên và năm 9 sau Công nguyên.
Thời kỳ đầu, chè được coi là một loại dược liệu. Cho đến khoảng năm 300 sau Công nguyên, uống chè để thưởng thức mới trở thành một thói quen hàng ngày và mãi đến cuối những năm 700, một nhà sư Phật giáo mới lần đầu tiên viết về những lợi ích của chè và cách thức pha.
Do đó, việc thưởng trà dần gắn liền với các thực hành Phật giáo và là một trong những thú vui yêu thích thường được mô tả trong văn học Trung Hoa, bên cạnh uống rượu, làm thơ và viết thư pháp.
Đến những năm 1600, người Trung Quốc mới bắt đầu xuất khẩu sản vật văn hóa của họ sang châu Âu. Trung Quốc là nhà sản xuất chè duy nhất trên thế giới vào thời điểm này và họ sản xuất ra số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang tăng nhanh.
Khi chè bắt đầu "xâm chiếm" nước Anh, thức uống này trở nên phổ biến trong giới thượng lưu vì giá chè vẫn còn quá xa xỉ đối với đa số người dân. Chẳng mấy chốc, người Anh bắt đầu nhập khẩu chè với số lượng lớn hơn và chè Trung Quốc nhanh chóng trở thành mặt hàng thương mại quan trọng nhất.
Từ những năm 1600, chè du nhập vào Anh và trở thành một món đồ uống nhâm nhi phổ biến trong giới thượng lưu.
Các công ty thương mại nước ngoài, như Công ty Thương mại Đông Ấn, đại diện độc quyền cho tất cả các doanh nghiệp Anh, vẫn bị giới hạn ở Canton (tức Quảng Châu ngày nay). Canton là đầu mối giao dịch thương mại duy nhất ở Trung Quốc cho phép các thương nhân nước ngoài tiếp cận.
Trung Quốc mạnh nhờ chè
Nhờ độc quyền sản xuất chè, Trung Quốc nhanh chóng trở thành một trong những thế lực kinh tế lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ 19. Đến cuối những năm 1880, Trung Quốc sản xuất khoảng 250.000 tấn chè mỗi năm, 53% trong số đó được xuất khẩu sang các nơi khác trên thế giới. Trên thực tế, chè chiếm tới 62% xuất khẩu của Trung Quốc.
“Chè đã thay đổi vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế”, ông Sarah Rose, tác giả cuốn sách “Về tất cả các loại chè ở Trung Quốc”, nhận xét. Không chỉ vậy, "chính việc buôn bán chè còn khai sinh ra vùng lãnh thổ thuộc địa Hong Kong - thúc đẩy sự mở rộng kinh tế của đế chế Anh ở Viễn Đông và khiến nền kinh tế Anh trở nên phụ thuộc vào chè", cuốn sách viết.
Trong khi đó, nước Anh - sau khi chinh phục Ấn Độ và bắt đầu trồng thuốc phiện ở đó - cũng bắt đầu mua chè, lụa và sứ Trung Quốc, đổi bằng thuốc phiện, vốn là một loại thuốc giảm đau phổ biến thời bấy giờ.
Kho thuốc phiện của Công ty Thương mại Đông Ấn, Anh. Ảnh: Wikimedia Commons
Thuốc phiện, mầm mống loạn lạc
Nhưng việc nhập khẩu một lượng thuốc phiện khổng lồ đã nhanh chóng gây ra đại dịch nghiện ở Trung Quốc, khiến nhiều người chết. Do đó, hoàng đế Trung Quốc đã thông qua nhiều sắc lệnh cấm thuốc phiện, và vào năm 1820, triều đình yêu cầu người Anh chỉ được phép dùng bạc thanh toán để đổi lấy chè và các hàng hóa.
Nhu cầu thị trường của Anh ở cả trong và ngoài nước đối với chè sinh lợi đến mức họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý với các điều khoản thương mại. Nhưng nước Anh nhanh chóng rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại khi họ phải nhập khẩu bạc từ châu Âu và Mexico để theo kịp nhu cầu về chè và điều này gây ra gánh nặng tài chính cho đất nước.
Người hút thuốc phiện ở Trung Quốc vào thế kỷ 19.
Mặc dù nền kinh tế của Vương quốc Anh dựa vào giao dịch chè với Trung Quốc, chính phủ biết rằng nếu tiếp tục xuất khẩu bạc ra khỏi đất nước thì họ sẽ bị phá sản.
Vì vậy, như một biện pháp để giảm thâm hụt, người Anh bắt đầu lặng lẽ buôn lậu thuốc phiện vào Trung Quốc để đổi lấy chè. Điều này, tất nhiên càng làm trầm trọng thêm đại dịch thuốc phiện với người Trung Quốc.
Nhận thấy thảm cảnh cả về kinh tế và đời sống xã hội của đất nước do thuốc phiện, sau khi lãnh trách nhiệm điều tra hoạt động buôn lậu thuốc phiện tại Quảng Ðông, Tổng đốc Hồ Quảng, Lâm Tắc Từ đã ban 2 đạo dụ với người ngoại quốc, nội dung chỉ rõ buôn thuốc phiện là tội nặng, các tàu thuyền chở thuốc phiện phải mang nộp quan, không được tàng trữ.
Các thương nhân người Anh bị giới hạn hoạt động tại Canton (Quảng Châu) cảng thương mại duy nhất của Trung Quốc mở cửa cho người nước ngoài. Ảnh: Wikimedia Commons
Lâm Tắc Từ cũng gửi một lá thư thỉnh cầu tới Nữ hoàng Anh Victoria đề nghị ngừng xuất lậu thuốc phiện vào Trung Quốc. Nhưng lá thư của ông bị phớt lờ. Yêu cầu từ phía Trung Quốc không được trả lời khiến Hoàng đế nhà Thanh không còn nhiều lựa chọn
Vào tháng 4/1839, được phép của Hoàng đế, Lâm Tắc Từ đã chỉ huy một đội quân đến Canton đột kích bắt thuốc phiện bất hợp pháp, tịch thu hơn 20.000 rương (khoảng 1.200 tấn) thuốc phiện từ Công ty Thương mại Đông Ấn. Ngày 3/6 cùng năm, ông bắt đầu cho tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số thuốc phiện trên bờ biển ở Hổ Môn. Người ta chọn một vị trí thích hợp đào vũng dẫn nước vào, đổ nhiều muối, đem nha phiến trộn lẫn, sau đó thêm vôi vào dung dịch. Hỗn hợp thuốc phiện được bừa kỹ bằng bừa sắt rồi tống ra biển. Lâm Tắc Từ phải mất 20 ngày mới tiêu hủy xong số thuốc phiện khổng lồ, và tất nhiên không bồi thường cho công ty Đông Ấn.
Chiến dịch bắt thuốc phiện cứng rắn của Lâm Tắc Từ trở thành mồi lửa cho hai cuộc "Chiến tranh Thuốc phiện" (hay Chiến tranh Nha phiến) nổi tiếng giữa Trung Quốc và Anh, kéo dài trong hơn hai thập kỷ bắt đầu từ năm 1840.
Cuộc Chiến tranh Nha phiến đã thay đổi lịch sử Trung Quốc và hoạt động thương mại chè mãi mãi.