Mượn cách nói của một nhạc sĩ, cũng giống như tiếng Việt, áo dài còn, đàn bầu còn thì dân tộc ta còn.
Nhưng có những vật báu, những di sản mà nếu như không biết trân trọng và gìn giữ, kẻ khác sẽ chiếm giữ. Chiếc áo dài Việt cũng có cơ bị mất nguồn gốc “made in Việt Nam”, khi một nhà thiết kế (NTK) Trung Quốc làm một bộ sưu tập thời trang có “tiếp biến”, có “học hỏi” và đặc biệt, “copy” y chang áo dài của các NTK người Việt, mà lại tự nhận là “trang phục Trung Quốc”, hay mang “phẩm giá Trung Quốc” (!).
Áo dài của Thủy Nguyễn bị NTK Trung Quốc copy thành "trang phục Trung Quốc".
Điều này họ cũng từng làm với chiếc đàn bầu, khi làm bộ hồ sơ dày cộp đăng ký lên UNESCO để xin công nhận nhạc cụ thuần Việt này là “di sản văn hóa phi vật thể” của họ.
Kịch bản lặp lại, liệu có đến lúc chiếc áo dài Việt cũng nằm trong hồ sơ tương tự kiểu như vậy không?
Muốn vậy, không ai hết, ngoài các NTK Việt, các nhà quản lý văn hóa và cả người dân nữa, phải tự cứu lấy di sản của mình.
Áo dài là của người Việt, điều đó không thể chối cãi, nhưng làm sao gìn giữ trang phục truyền thống đó như một di sản phi vật thể là điều cần làm ngay bây giờ, trước khi quá muộn.
Khi chưa công nhận áo dài là quốc phục trên mặt giấy tờ thì những tranh cãi sẽ còn kéo dài. Chính vì thế, chúng ta cần củng cố chứng cứ về mặt pháp lý, rằng chiếc áo dài là của người Việt.
Thời trang áo dài của Sỹ Hoàng với họa tiết hoa sen tao nhã.
Điều đó có nghĩa rằng, Chính phủ và Quốc hội nên chăng thông qua hồ sơ công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam, tiến tới xác nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thuộc sở hữu của Việt Nam tại UNESCO. Thậm chí, đăng ký bản quyền áo dài với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, là của người Việt.
Điều này từ lâu đã được các NTK Việt xúc tiến thực hiện, nhưng kéo dài nhiều thời gian và gặp không ít trở ngại. Điển hình, những NTK tâm huyết như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng và lớp NTK sau này vẫn luôn đau đáu làm được điều gì đó cho áo dài khi đi ra thế giới. Là bởi, họ ý thức rõ, “văn hóa mất rồi thì ai lấy giúp cho người Việt?”, như câu hỏi mà NTK Sỹ Hoàng đặt ra hôm nay.
Chuyện di sản phi vật thể Việt bị nước khác “nhận vơ” thành của mình từ lâu không mới, nhưng vấn đề then chốt là làm sao để tránh được tình trạng bị xâm thực về văn hóa, và cảnh báo về “đường lưỡi bò văn hóa” phi pháp thứ hai.
Thời trang áo dài của Minh Hạnh giới thiệu ở Nga.
Ở trận địa này, các nhà thiết kế Việt phải ý thức về tính dân tộc sâu sắc thì mới đủ sức mạnh để bảo vệ hình tượng chiếc áo dài Việt. Khó có thể chấp nhận việc thiếu ý thức đến mức thiết kế trang phục áo dài cách tân kết hợp với váy đụp vì đó là ảnh hưởng từ thời trang của Trung Quốc. Hơn nữa, áo dài có chuẩn mực của truyền thống, không thể dễ dãi mang ra phá vỡ một cách tùy tiện, thiếu hiểu biết. Cũng không để cho những người ngoại quốc vì cơn cớ gì đó mà “phá nát” áo dài, biến áo dài thành “thảm họa”, như trường hợp cô ca sĩ Mỹ mặc áo dài nhưng kèm với quần tất, dẫn đến làn sóng phản đối của cư dân mạng gần đây.
Là bởi, đúng như NTK Minh Hạnh cảnh báo, “sự chiếm dụng văn hoá nguy hiểm hơn sự chiếm dụng thực địa, chúng ta sẽ mất cả lịch sử”!
Vậy trọng trách đặt lên những NTK, khi đi ra nước ngoài giới thiệu một bộ sưu tập, phải khiến người ta nhận ra đâu là bản sắc, đâu là sự tự tôn của chiếc áo dài. Và đặc biệt, phải trân trọng cả câu chuyện về chất liệu, về truyền thống. Không thể lấy chất liệu của các nước, dù cao cấp mấy đi chăng nữa, để thiết kế nên chiếc áo “hồn Trương Ba da Hàng Thịt”. Bởi câu chuyện chất liệu áo dài còn chứa đựng hồn Việt, chứa đựng văn hóa và tâm thức Việt.
Hàng năm, hàng chục cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ trong và ngoài nước, tại sao có người chọn áo dài làm quốc phục dự thi như một cách truyền bá vẻ đẹp của trang phục truyền thống, nhưng lại có những NTK “cách điệu” thành những bộ trang phục “ráp ghép” mỗi nơi một ít, không rõ xuất xứ từ dân tộc nào? Tất cả đều nên xuất phát từ ý thức giữ gìn vẻ đẹp và bản sắc của chiếc áo dài, để tôn vinh tinh thần dân tộc.
Điều gì xảy ra khi người Việt mất chiếc áo dài? Đó là trách nhiệm không riêng của một ai. Bởi đằng sau đó còn là câu chuyện của lòng tự tôn, câu chuyện lãnh thổ, cương vực, văn hóa và lịch sử.