Khép lại vụ thu hoạch dổi năm 2019, bà con trồng dổi ở xã Chí Đạo vô cùng phấn khởi. Dổi được mùa lại được giá, nên nhiều gia đình đã đổi đời nhờ bán dổi. Ông Bùi Văn Bun, trưởng xóm Be, xã Chí Đạo chia sẻ, nhà ít được vài chục triệu đồng, nhà thu nhiều đạt cả tỷ đồng từ bán dổi. Không chỉ bán hạt dổi mà năm nay cũng là năm bội thu của các nhà vườn khi bán cây dổi giống.
Cây dổi được trồng nhiều tại xóm Be, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn. Hiện nơi này có những cây dổi có tuổi thọ từ 20-30 năm. Nó được coi là những cây đầu dòng để nhân giống.
Cây dổi được trồng ở đất Lạc Sơn từ nhiều đời nay. Bà con người Mường khi đó chỉ trồng dổi để lấy hạt và lấy gỗ. Hạt dổi rất thơm, nó là thứ gia vị không thể thiếu trong các món ăn hàng ngày của bà con người Mường. Mấy năm gần đây, hạt dổi xứ Mường đã được bán rộng rãi ra nhiều địa phương trên cả nước.
Bà con người Mường thu hoạch hạt dổi. Năm nay, hạt dổi tươi bán được 500.000đ/1kg. Nhiều cây dổi cho thu từ 40-100kg hạt tươi.
Giá hạt dổi có lúc lên đến 3 triệu đồng/1kg, nhiều gia đình có cuộc sống khá giả nhờ trồng dổi. Thấy cây dổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nhà vườn ở Tây Nguyên đã tìm ra tận Lạc Sơn để mua giống dổi về trồng. "Có người mua cả vạn cây dổi ghép về trồng. Vừa bước sang năm thứ 2, họ đã bắt cây ra quả. Tuy nhiên, khi cây ra quả sớm quá, hạt dổi không đạt được tinh dầu", ông Bun chia sẻ.
Cây dổi đã giúp nhiều người dân ở Lạc Sơn đổi đời.
Hiện xã Chí Đạo có khoảng 2000 cây dổi được trồng rải rác ở các nhà vườn. Một tin vui nữa vừa đến với người trồng dổi là một công ty chuyên sản xuất gia vị của nước Đức đã về tận xóm Be để nghiên cứu về cây dổi. Vườn dổi của gia đình ông Bun được họ lựa chọn để khảo sát. Họ đánh giá rất cao về chất lượng hạt dổi. Họ còn mang 5kg về Đức để nghiên cứu tiếp. Nếu như việc xuất khẩu hạt dổi sang Đức thành công, sẽ là cơ hội đổi đời cho nhiều nhà vườn ở nơi đây.
Hạt dổi được bà con dùng làm gia vị không thể thiếu trong các món ăn.
Cây dổi lớn nhanh, sau 10 năm, nó cỏ thể cao từ 20-30m.