Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang bắt giữ số lượng lớn heo nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Ảnh: baocantho
Theo ngành chức năng tỉnh An Giang, nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu lợn hơi có dấu hiệu tăng cao trong thời gian gần đây là do trong nước, giá heo hơi đang ở mức cao, thị trường thiếu hụt nguồn cung do bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi, trong khi giá heo hơi tại phía Campuchia thấp hơn rất nhiều.
Trước thực trạng trên, các sở, ngành chức năng và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống, quyết tâm ngăn chặn heo nhập lậu qua biên giới.
Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP An Giang cho biết trên báo Cần Thơ, giá heo hơi ở Campuchia hiện đang dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, trong khi tại địa bàn tỉnh An Giang, giá heo hơi chênh cao hơn nhiều, dao động từ 65.000 - 75.000 đồng/kg. Vì vậy, các thương lái người Campuchia đã móc nối với các thương lái Việt Nam vận chuyển trái phép heo thịt từ Campuchia qua biên giới vào An Giang tiêu thụ để "ăn" chênh lệch giá.
Đáng chú ý, từ đầu tháng 10 đến ngày 19/11, ngành chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện xử lý 16 vụ vận chuyển heo nhập lậu, với hơn 400 con (tổng trọng lượng khoảng 30 tấn) từ Campuchia vào Việt Nam. Mặc dù các mẫu heo nhập lậu qua xét nghiệm đều âm tính với dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Thực tế là tính đến 5/10, tỉnh An Giang đã ghi nhận 1.223 ổ dịch tả lợn châu Phi, xảy ra tại 129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/11 huyện, thị xã, thành phố; tiêu hủy gần 28.000 con lợn mắc bệnh.
Theo khai nhận của các đối tượng vận chuyển heo nhập lậu qua biên giới bị lực lượng BĐBP An Giang bắt giữ, thịt heo ở Campuchia chủ yếu lấy nguồn hàng từ Thái Lan, giá nhập về dao động từ 4-4,5 triệu đồng/tạ heo hơi, trong khi tại tỉnh An Giang, giá heo hơi trên 7 triệu đồng/tạ nên họ vận chuyển thuê để lấy tiền chênh lệch.
Cũng có một số đối tượng vận chuyển thuê để lấy tiền công, trung bình 500.000 đồng/người.
Thương lái Nguyễn Văn Hùng, ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội, huyện An Phú vừa bị BĐBP tỉnh An Giang bắt giữ ngày 16/11 khi vận chuyển 53 con heo qua biên giới, khai nhận: “Mọi giao dịch đều thực hiện vào ban đêm, heo từ Campuchia không chở đến cố định một cửa khẩu mà liên tục đổi hướng. Họ liên lạc với thương lái trong nước để cho địa điểm, giá cả. Người mua có mặt chỉ để đánh giá tình trạng của heo sau khi được vận chuyển một quãng đường dài. Mỗi con nếu vận chuyển trót lọt vào nội địa, thương lái lời khoảng 1-1,5 triệu đồng”.
Trước đó ít ngày, trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp với Đồn Biên phòng Phú Hội, đã phát hiện 3 đối tượng người Campuchia đang điều khiển 1 chiếc vỏ lãi vận chuyển heo từ bên kia biên giới vào Việt Nam.
Đội công tác đã yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra, qua đó xác định, 29 con lợn (tổng trọng lượng gần 2 tấn) đều là lợn thịt nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đội công tác đã báo cáo với Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang phối hợp với lực lượng chức năng bảo vệ biên giới Campuchia để bàn giao người và tang vật.
Trước tình hình mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng diễn biến phức tạp, trong khi dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu ngưng lại, Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) vừa có Công văn số 2344/TCQLTT-THKHTC chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu. Tại thị trường nội địa, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu trên khâu lưu thông. Phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Sở NN&PTNT kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia súc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các tác hại, nguy cơ lây lan dịch bệnh của việc sử dụng, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc. |