Dân Việt

Hai CSGT tố cáo lãnh đạo: Dấu hiệu đường dây bảo kê khủng

Vương Hà 26/11/2019 12:15 GMT+7
Hầu hết các vụ tiêu cực của lực lượng CSGT do báo chí, người dân phát hiện. Vậy lẽ gì, những người quản lý trực tiếp và cấp trên của họ không biết, không phát hiện nổi hành vi mãi lộ, khiến “hố đen” này vẫn là “hố đen”?

Việc hai cán bộ CSGT ở Đồng Nai tố cáo lãnh đạo của mình bảo kê cho xe quá tải khiến dư luận thực sự sốc. Người dân sốc không phải vì chuyện bảo kê cho những đoàn xe quá tải bởi nó không lạ, mà bất ngờ bởi, từ trước đến nay chưa có kiểu quân dám tố cáo lãnh đạo, đặc biệt được phản ánh đến báo chí.

Đáng chú ý là, tố cáo này có bằng chứng với những clip, những đoạn ghi âm hàng tháng trời. Cụ thể, CSGT đang xử lý xe quá tải chạy trên quốc lộ 20 thì ngay sau đó lãnh đạo của đội tuần tra giao thông trên quốc lộ 20, quốc lộ 1 gọi điện can thiệp với nội dung chỉ đạo qua điện thoại "xe đã gửi đội", "xe của sếp lớn đó", "xe này gửi một tháng mấy triệu đó mà", "thôi cho đi đi"… 

Theo những người tố giác, khi họ có ý kiến về việc "bảo kê" xe quá tải, ảnh hưởng đến việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông với lãnh đạo Phòng CSGT thì một ngày sau đã bị điều chuyển công tác khỏi đội. Một số bị trù úm công khai.

Hành vi vi phạm pháp luật này không chỉ rất trắng trợn, không úp mở, mà nó đã thành chuyện thường ngày. Và những chiến sĩ thực thi chắc không chịu nổi cảnh “áp bức” này nên đã tố cáo.

img

Bị CSGT dừng xe xử lý vi phạm, nhiều tài xế gọi điện, sau đó các sếp ở đội CSGT số 1, số 2 gọi điện đề nghị cho xe vi phạm đi mà không bị xử lý. Ảnh: Tuổi Trẻ, cắt từ clip

Lâu nay CSGT ở Đồng Nai từng là nơi nóng bỏng, “nổi tiếng” nhất trên báo chí việc bảo kê cho xe quá khổ, quá tải. Ngay từ năm 2003, trạm CSGT Dầu Giây đã bị báo chí điều tra với những bằng chứng cụ thể, vì vậy, 11 cán bộ, chiến sĩ bị thi hành kỷ luật, trong đó trạm trưởng Võ Đình Thường bị cách chức và chuyển khỏi lực lượng CSGT. Nhưng lòng vòng một hồi, ông Thường lại quay về với vị trí Phó trưởng Phòng CSGT. Dư luận chỉ biết việc này khi xảy ra căng thẳng tại trạm thu phí BOT Biên Hòa, thượng tá Thường ký giấy mời khoảng 20 tài xế lên làm việc. 

Và mới đây nhất, nguyên giám đốc và giám đốc Công an Đồng Nai bị cách hết các chức vụ trong Đảng, riêng Giám đốc Huỳnh Tiến Mạnh bị cách chức. Trước khi lên Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Công an tỉnh, ông Mạnh từng là Trưởng phòng CSGT. Trong kết luận của Ban Bí thư nêu rõ: Ông Huỳnh Tiến Mạnh cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2010-2015 để Phòng CSGT (do Đại tá Mạnh trực tiếp phụ trách) xảy ra nhiều vi phạm kéo dài nhiều năm, có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cũng cần nói rõ, thượng tá Võ Đình Thường quay lại làm Phó phòng CSGT dưới thời của Giám đốc Mạnh. Và khi bị công luận  phản ứng, thượng tá Thường lại bị chuyển đi.

Những loằng ngoằng, mờ ám nêu trên khiến dư luận có thể hiểu phần nào lý do tại sao sai phạm nghiêm trọng của lực lượng CSGT ở Đồng Nai có thể kéo dài đến như vậy và vì sao ông Mạnh dù đã lên giám đốc nhưng vẫn trực tiếp phụ trách lực lượng này. 

Nếu một số người trong lực lượng CSGT ở Đồng Nai “nổi tiếng” tiêu cực, thì ở nhiều địa phương khác cũng không ít và có dấu hiệu bao che của một số lãnh đạo, cán bộ có thẩm quyền. Ví dụ điển hình nhất là vụ án “logo xe vua” diễn ra ở Đồng Nai, Bình Dương và TP. HCM. Trong vụ án này, phiên tòa sơ thẩm xử tù 10 đối tượng đưa và môi giới hối lộ, nhưng không thấy bóng dáng người nhận hối lộ nào phải đứng trước tòa. Chính vì bản án phi lý đó, phiên tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại TP.HCM mới diễn ra đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ mua bán “logo xe vua" liên quan đến 80 CSGT, TTGT các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Nhìn lại những sai phạm này, dư luận không thể không so sánh cách xử lý kỷ luật đã công bằng chưa ngay trong lực lượng công an. 

Vừa qua, dư luận dậy sóng với việc nữ đại úy Lê Thị Hiền (CA quận Đống Đa, Hà Nội) gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất và thượng úy  Nguyễn Xô Việt (Công an Thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) ném xúc xích vào nhân viên bán hàng và vô cớ tát bảo vệ. Kết cục, cả hai bị giáng chức và cùng bị buộc ra khỏi ngành. Những quyết định nhanh chóng, quyết liệt đó của ngành công an được dư luận đồng tình ủng hộ. 

Hành vi mang hơi hướng côn đồ và lạm dụng uy quyền công an của Hiền và Việt rất đáng lên án, cần loại khỏi lực lượng vì bôi xấu hình ảnh của công an, nhưng so với những hành vi nhận mãi lộ của một số CSGT thì nó còn làm xấu hình ảnh cảnh sát hơn rất nhiều lần và còn làm mất niềm tin của người dân vào lực lượng bảo vệ pháp luật. Vậy nhưng, vì sao những người như trạm trưởng Võ Đình Thường có dấu hiệu nhận mãi lộ chỉ bị chuyển công tác, để rồi quay lại với quân hàm thượng tá, Phó phòng CSGT. Mặc sắc phục cảnh sát mà đi nhận mãi lộ, nếu chưa đủ yếu tố xử lý hình sự, thì ít nhất cũng phải cho ra khỏi ngành, đó là đòi hỏi của dư luận, sự nghiêm minh của pháp luật. Mặt khác, trước những tiêu cực của thuộc cấp, dư luận cũng không thể không bất bình việc một số lãnh đạo phòng CSGT thường trả lời trơn tuột: Tôi không biết; tôi mới biết từ báo chí; nếu đúng, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm!? Lẽ nào chính các vị lãnh đạo đó vô can, mà với dư luận, đúng ra họ phải là người chịu trách nhiệm chính. 

Điều đáng chú ý là, hầu hết các tiêu cực của lực lượng CSGT đều do báo chí, người dân phát hiện. Đây là điều khiến nhiều người không thể không đặt câu hỏi, vì lẽ gì những người quản lý trực tiếp và cấp trên của họ không biết, không phát hiện nổi hành vi mãi lộ, dù báo chí và người dân quay được cả clip và ghi âm, và cũng không khỏi nghi ngờ lý do gì khiến “hố đen” này mãi vẫn là “hố đen”.