Theo Express, đoạn video quay tại hiện trường cho thấy cảnh nhiều căn nhà bị hư hại, lửa cháy ở nhiều nơi sau khi Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 3B từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên.
Tên lửa 3B cất cánh mang theo hai vệ tinh định vị Bắc Đẩu vào quỹ đạo. Vụ phóng tên lửa mang vệ tinh đã thành công, nhưng dường như các mảnh vỡ đã rơi xuống khu dân cư.
Ba địa điểm phóng tên lửa đầu tiên của Trung Quốc được xây dựng trong đất liền, có nghĩa là từ lâu đã có nguy cơ mảnh vỡ rơi trúng khu dân cư. Ở các quốc gia khác trên thế giới, bãi phóng tên lửa có xu hướng xây dựng gần bờ biển để các mảnh vỡ có thể rơi xuống biển.
Tên lửa Trường Chinh 3B của Trung Quốc được phóng hôm 23.11.
Trong quá trình phóng, tên lửa tách tầng khi sử dụng hết nhiên liệu, chỉ có tầng cuối cùng đưa các vệ tinh lên quỹ đạo và nằm lại trong vũ trụ. Các tầng khác sẽ rơi xuống đất và vỡ tan thành nhiều mảnh.
Chính quyền Trung Quốc hiện chưa lên tiếng về những thiệt hại ở khu dân cư có liên quan đến vụ phóng tên lửa. Không rõ có người thương vong trong các vụ việc trên hay không.
Trả lời trên Space, Andrew Jones, chuyên gia về hàng không vũ trụ Trung Quốc, nói các mảnh vỡ từ vụ phóng tên lửa hoàn toàn có thể rơi trúng nhà dân. “Các tên lửa phóng từ Tây Xương, ở tỉnh Tứ Xuyên luôn tạo ra nguy cơ. Tên lửa Trường Chinh 3B có trọng tải lớn, đã tạo ra cơn mưa mảnh vỡ trên diện rộng”, Jones cho biết.
Cận cảnh thiệt hại tại các khu dân cư ở Trung Quốc.
Jones nói, cư dân sống trong phạm vi rơi của các mảnh vỡ tên lửa thường được cảnh báo sơ tán tới khu vực an toàn từ sớm, trước khi vụ phóng xảy ra. Người dân cũng được khuyến cáo không nên tới gần nếu tìm thấy mảnh vỡ để tránh các tác nhân có hại từ nhiên liệu đẩy còn sót lại.
Trung Quốc hiện đang tích cực mở rộng chương trình không gian. Quốc gia này đặt mục tiêu đưa người lên Mặt trăng vào năm 2035. Mỹ hiện cũng đang có kế hoạch đưa người quay trở lại Mặt trăng và xa hơn là đặt chân lên sao Hỏa.
Theo Tân Hoa Xã, hai vệ tinh mới được đưa vào quỹ đạo là vệ tinh Beidou số 50 và 51. Các vệ tinh này sẽ tạo thành hệ thống định vị vệ tinh Beidou-3 với quy mô toàn cầu. Hệ thống này sẽ đi vào hoạt động giữa những năm 2020.
Tên lửa thương mại đầu tiên của Trung Quốc phóng từ trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan đã không tới được quỹ đạo.