Sự kiện có sự tham dự của 200 đại biểu đến từ các một số bộ, ngành Trung ương; các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành một số tỉnh phía Nam có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển; đại diện cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế; các nhà đầu tư nước ngoài; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội, hội...
Quang cảnh Hội nghị "Xúc tiến đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam" chiều 27/11. Ảnh: N.Q
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công cho biết: Trong thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, Việt Nam gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2005 và đạt trên 9,38 tỷ USD năm 2018.
Dự kiến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt khoảng 11 tỷ USD, hoàn thành chỉ tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019. Đóng góp vào kết quả và sự thành công trên, có sự tham gia đầu tư, hợp tác từ nước ngoài đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Hiện nay, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ. Đó là thành tích rất đáng tự hào. Ngành chế biến lâm sản đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu cao.
Ngành chế biến gỗ và lâm sản là một trong rất ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành chế biến lâm sản cũng gặp không ít những khó khăn, tồn tại và thách thức trong quá trình phát triển.
Một công ty xuất khẩu gỗ ở Khu chế xuất Linh Trung 2, TP.HCM. Ảnh: T.T.D
Tại Hội nghị, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội trong và ngoài nước đã trình bày các tham luận, đóng góp ý kiến về cơ hội đầu tư và phát triển về ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Tình hình và xu hướng đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ ở Việt Nam. Xây dựng thương hiệu gỗ Việt trong ngành đồ gỗ thế giới. Đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam dưới góc nhìn của các doanh nghiệp nước ngoài...
Trong phần thảo luận, Hội nghị được nghe các ý kiến phát biểu tâm huyết của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các hiệp hội chế biến gỗ trong và ngoài nước về cơ hội, giải pháp để thúc đẩy xúc tiến đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam.
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Cao Chí Công khẳng định: "Hội nghị xúc tiến đầu tư đã thành công tốt đẹp. Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến quý báu, trên tinh thần hợp tác, xây dựng; vì sự phát triển bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, từ các doanh nghiệp, hiệp hội, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, đánh giá được những kết quả, ưu điểm, cơ hội, tồn tại, khó khăn và thách thức trong thời gian tới; và đề xuất được một số giải pháp hợp tác cùng phát triển, xúc tiến mạnh hơn nữa đầu tư.
Trong đó có đầu tư hợp tác với nước ngoài để cùng nhau thúc đẩy cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam. Quyết tâm phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt chỉ tiêu 12 đến 13 tỷ USD vào năm 2020; đạt 18 đến 20 tỷ USD vào năm 2025. Từng bước tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ".
Trước đó, sáng ngày 27/11 đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm VIFF 2019 từ ngày 27 - 30/11 do Hiệp Hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) phối hợp với Hiệp Hội các nhà sản xuất đồ gỗ Đài Loan (TFMA) tổ chức với quy mô 9.000 m2, 500 gian hàng trưng bày các sản phẩm đa dạng, phong phú như nội thất phòng ngủ, phòng ăn, kệ bếp, ván sàn, sofa, bàn ghế văn phòng, bàn ghế ngoài trời...
Trong đó, có 180 gian hàng quốc tế, nhiều loại sản phẩm nội, ngoại thất, nguyên liệu và máy móc ngành gỗ được trưng bày của các doanh nghiệp lớn nước ngoài như Đài Loan, Nhật, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan: Shingmark wooden, Changfong, KingJade, Kaiser... Một số tổ chức quốc tế lớn như Hiệp hội chế biến gỗ Quảng Đông - Trung Quốc, Shunde - Trung Quốc, Hiệp hội Chế biến gỗ cứng Hoa Kì (AHEC)...
Với sự tham gia của đông đảo cộng đồng các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, các hiệp hội ngành hàng chế biến gỗ và lâm sản trong và ngoài nước, Hội nghị xúc tiến đầu tư và chuỗi các sự kiện Triển lãm VIFF 2019 là cơ hội để thúc đẩy cho ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam trở thành ngành mũi nhọn trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu, phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.