Dân Việt

Thép, gỗ tạm nhập tái xuất vẫn đổ xô vào Việt Nam

Thanh Phong 28/11/2019 07:12 GMT+7
Bất chấp mọi hình thức phòng vệ thương mại, hơn 4,64 triệu tấn sắt thép trị giá trên 2,95 tỉ USD liên tục được nhập khẩu vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tạm dừng việc tạm nhập tái xuất các mặt hàng gỗ dán đi Mỹ, nguyên do, thời gian qua, mặt hàng này có tăng trưởng hơn 400%.

Mới đây, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, đến cuối tháng 10/2019, có hơn 12,24 triệu tấn sắt thép các loại được nhập khẩu vào Việt Nam với tổng kim ngạch lên đến hơn 8,1 tỉ USD. Trong đó, số lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 4,64 triệu tấn tương ứng với 2,95 tỉ USD,.

Theo đó, trong 3 năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục là quốc gia dẫn đầu về nguồn cung sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam. Số lượng và giá trị nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đều qua từng năm với tỉ lệ trên hai con số.

Thời gian vừa qua, Bộ Công thương liên tục đưa ra nhiều quyết định liên quan đến chính sách phòng vệ thương mại đối với ngành hàng này. Tuy nhiên, lượng sắt thép nhập khẩu vẫn có chiều hướng tăng dần đều, đặc biệt từ Trung Quốc.

img

Bất chấp mọi biện pháp phòng vệ thương mại, thép Trung Quốc vẫn được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Cụ thể, trong tháng 10/2019, Bộ Công thương đã ra quyết định chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim, không hợp kim cán phẳng của Trung Quốc và Hàn Quốc. Đồng thời điều tra chống bán giá riêng đối với loại thép cán nguội (dạng cuộn, hoặc tấm) nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Thép VN (VSA) đánh giá, sau khi nổ ra thương chiến Mỹ - Trung, ngành thép Việt Nam đã nhận được nhiều sự “chú ý” của các nước. Đặc biệt, trong bối cảnh, tình trạng sản phẩm thép của Trung Quốc "đi vòng" qua các nước ngày càng tăng mạnh.

Không chỉ với ngành hàng sắt thép, mới đây, trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng về việc xây dựng Thông tư cho tạm dừng việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu cũng như chuyển tải xuất khẩu các mặt hàng gỗ dán đi Hoa Kỳ.

Nguyên nhân được tư lệnh ngành Công Thương đưa ra trước Quốc Hội vì trong thời gian vừa qua, mặt hàng gỗ dán có tăng trưởng “bất thường” lên tới hơn 400%. Điều này gây nhiều nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ đối với các đối tác quốc tế.

Sau đó, Bộ trưởng Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ. Hiệu lực của Thông tư thi hành từ ngày 27/12/2019 đến hết ngày 31/12/2024.

Theo đó, Thông tư này được ban hành nhằm phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, hạn chế tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.