Dân Việt

Bà Rịa-Vũng Tàu: Có vốn vay ưu đãi, nông dân hết nợ, hết nghèo

Song Anh – Duy Ân 28/11/2019 13:15 GMT+7
Thời gian qua, nhờ các nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước, địa phương, các đoàn thể đã góp phần tạo điều kiện cho nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) triển khai Đề án Giảm nghèo bền vững, với mục tiêu thoát nghèo cho khoảng 400 - 500 hộ nghèo trong 5 năm tới.

Trả hết nợ, làm giàu cho bản thân và chòm xóm

Năm 2012 gia đình ông Nguyễn Văn Thao (thôn Láng Cát, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ) thuộc diện hộ nghèo của xã. Được Hội Nông dân xã tư vấn, hướng dẫn, ông vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư trồng rau ăn lá các loại như cải, dền, xà lách, mồng tơi... trên diện tích 2.000m2. Để làm ăn hiệu quả, ông học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh từ các buổi tập huấn tại địa phương.

Do trồng rau sạch, nguồn cung cấp ổn định, rau của gia đình ông được thị trường ưa chuộng. Sau khi thanh toán hết khoản vay, năm 2015, ông tiếp tục được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động, nhờ đó vừa tiết kiệm được thời gian chăm sóc vườn rau, giảm công lao động, tăng năng suất. Từ hộ thuộc diện khó khăn nhất của địa phương, đến nay gia đình ông Thao đã có thu nhập ổn định, bình quân từ 90-110 triệu đồng/năm, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tương tự, là một hộ cận nghèo, anh Lâm Quang Long (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đến với nghề nuôi nai sau trận bạo bệnh làm suy nhược cơ thể khi còn làm nghề thợ mộc, được con mua vài gram nhung nai về cho anh bồi dưỡng. Thấy nhung nai hiệu quả, anh “ủ mưu” bỏ nghề mộc, chuyển qua nuôi nai với hy vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

img

Anh Lâm Quang Long (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), nhờ nghề nuôi nai, từ một hộ cận nghèo, đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Ảnh: Duy Ân

Nhưng giá con giống quá đắt, nhà anh không đủ tiền mua, phải tích cóp dần và vay mượn thêm đến năm 2013 mới bắt đầu khởi nghiệp với 5 con nai đầu tiên. “Tuy nhiên 2 năm đầu tiên gặp thất bại do chất lượng nai không được tốt, sản lượng không cao cho nên tôi bán bầy nai đó rồi khăn gói lên đường đi từ Bắc chí Nam tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi nai sau đó mới về gầy lại đàn mới”, anh Long kể.

Giờ trại nai của anh Ba Long đã có 16 con nai, trong đó có 14 con nai đực lấy nhung và 2 con dê cái. Lợi nhuận từ thịt nai, nhung nai và các sản phẩm từ nhung nai chế biến (như nhung nai ngâm mật ong, rượu nhung nai các loại, bột nhung nai,…) đem về cho anh Long khoảng 400 triệu đồng/năm, giúp gia đình anh từ một hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, con cái ăn học thành tài.

Không chỉ làm giàu cho mình, anh Long còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi nai, cách lấy nhung hiệu quả, an toàn lên Facebook cho bà con chòm xóm, bạn bè và nông dân, những người muốn theo nghề này, tạo ra sản phẩm chất lượng cao để nghề nuôi nai ngày càng phát triển tốt. Nhiều gia đình nghèo, không có tiền mua con giống, anh hỗ trợ cho mượn tiền và hướng dẫn kỹ thuật nuôi tận tình.

Giám sát tốt nguồn vốn hỗ trợ

Là hộ nghèo nhiều năm liền, năm 2017, ông Trần Văn Bảo (ấp Phước Lộc, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) được Hội Nông dân (HND) xã Phước Hội bảo lãnh cho vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Đến nay, sau gần 3 năm, đàn bò của gia đình ông đã tăng lên thành 12 con, trong đó có 4 con bò cái sinh sản.

img

Ông Huỳnh Văn Hải, nổi tiếng (xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) với nghề trồng mãng cầu (na) làm giàu. Ảnh: Duy Ân

Để có thêm kiến thức trong chăn nuôi, ông Bảo đã chủ động tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật của HND các cấp. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng diện tích hơn 500m2 vườn để trồng rau màu gồm các loại mướp, bắp, đậu, cải… vừa tăng thêm thu nhập vừa có nguồn thức ăn cho đàn bò. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ nuôi trồng, gia đình ông Bảo đã trả hết vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân và thoát nghèo. Hiện gia đình ông có thu nhập 60-70 triệu đồng/năm từ chăn nuôi và trồng trọt.

Tại huyện Đất Đỏ, với việc triển khai các dự án phát triển kinh tế, đến nay địa phương đã hình thành được một số mô hình sản xuất và đang từng bước nhân rộng ra toàn xã như nuôi vịt trên sàn, trồng khoai mài, măng tây, trồng rau sạch… Ngoài ra, Hội ND các xã còn mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình chăn nuôi của từng hộ dân. Chính nhờ sự thay đổi đáng kể trong tư duy không ít hộ nông dân ở đây đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Bà Trương Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã thẩm định và giải ngân hơn 9,3 tỷ đồng cho 253 lượt hộ hội viên nông dân vay theo 20 dự án thuộc nhóm hộ liên kết sản xuất thực hiện các mô hình: chăn nuôi dê, bò sinh sản, bò thịt, chăn nuôi heo, chăm sóc gà ta thả vườn, chăm sóc vườn tiêu, nhãn, thanh long, mô hình khai thác và chế biến thủy hải sản,... Tổ chức thu hồi 20 dự án đến hạn của 257 hộ vay với tổng số tiền hơn 7,7 tỷ đồng.

Đến nay, tổng nguồn vốn trong toàn tỉnh là 79,2 tỷ đồng, trong đó 51,78 tỷ đồng là nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh với 2.910 lượt hộ vay, giải quyết việc làm cho 4.156 lao động. Nhìn chung các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và làm ăn có hiệu quả, có hộ vươn lên khá so với mặt bằng kinh tế chung của địa phương.

Bà Trương Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để bảo đảm an toàn nguồn vốn, trước khi tiến hành giải ngân cho vay, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trực tiếp thẩm định 100% số hộ xin vay và có trách nhiệm trong việc tìm đầu ra của sản phẩm, thường xuyên liên hệ với các DN, đơn vị hỗ trợ nông dân bằng việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giới thiệu cho nông dân tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

“Hội cũng đang triển khai Đề án Giảm nghèo bền vững phối hợp với Sở LĐ-TBXH với mục tiêu thoát nghèo cho khoảng 400 - 500 hộ nghèo trong 5 năm tới”, bà Phượng nói.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.