Dân Việt

Cùng nhau làm du lịch, đồng bào Cơ Tu thoát nghèo nhanh

Diệu Bình - Đại Nghĩa 28/11/2019 13:37 GMT+7
Mô hình làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản phẩm dệt thổ cẩm ở xã TaBhing, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đang được tỉnh Quảng Nam đầu tư phát triển mạnh nhờ sự giúp đỡ từ dự án du lịch dựa vào cộng đồng (do tổ chức JICA, FIDR hỗ trợ). Cũng nhờ tham gia mô hình liên kết làm du lịch với hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Zơ Ra mà nhiều đồng bào Cơ Tu ở xã miền núi này thoát nghèo, có của ăn của để.

Khôi phục làng nghề truyền thống

Nghề dệt thổ cẩm đóng vai trò quan trọng trong đời sống của nhiều dân tộc miền núi Quảng Nam, nhất là địa bàn huyện Nam Giang. Tuy nhiên, lâu nay do sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là tự cung tự cấp nên người dân không có thu nhập ổn định từ nghề truyền thống này.

Trong những năm qua, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế, nhiều mô hình tổ hợp tác dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng đã ra đời, vừa giúp bảo tồn, khôi phục lại làng nghề, vừa tăng thu nhập cho các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

img

Mô hình làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản xuất thổ cẩm xã TaBhing, huyện Nam Giang đang được đầu tư và phát triển mạnh. Ảnh: Đại Nghĩa

HTX dệt thổ cẩm Zơ Ra chính là khởi điểm của Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu. Câu chuyện bắt đầu khi vào năm 2001, Tổ chức Cứu trợ phát triển Nhật Bản (FIDR) bắt đầu thực hiện Dự án Phát triển cộng đồng huyện Nam Giang. Với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số nghèo, dự án đã triển khai các hoạt động thiết thực xuất phát từ nhu cầu của bà con, như phát triển nông nghiệp, hỗ trợ chăn nuôi, mở các lớp học xóa mù chữ.

Năm 2007, khi Dự án Phát triển cộng đồng huyện Nam Giang kết thúc, bà con đã trực tiếp yêu cầu FIDR tiếp tục hỗ trợ giúp bà con khôi phục nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu.

Vì thế, năm 2008, Dự án Hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu được triển khai và năm 2011, HTX thổ cẩm đầu tiên của bà con dân tộc Cơ Tu được thành lập. Ban đầu chỉ có vài thợ dệt, nhưng đến nay HTX thổ cẩm Zơ Ra có khoảng 40 thợ dệt. Các sản phẩm cũng tinh xảo hơn, phong phú hơn về mẫu mã, kiểu dáng.

Một điều đặc biệt là tất cả các thôn trong xã đều tham gia vào dự án, việc điều phối các tour du lịch cộng đồng, phân chia thu nhập sẽ được thực hiện công bằng cho các thôn. HTX là đầu mối duy nhất nhận tour, nhận khách và phân bổ về các thôn, thôn này đón đoàn này thì thôn kia đón đoàn sau, cứ lần lượt quay vòng 7 thôn. Tiền thu được từ các tour sẽ được HTX phân phối đều cho các thôn, tránh sự mâu thuẫn, cạnh tranh giữa các thôn.

Thậm chí, khách du lịch khi đến Tà Bhing cũng được đề nghị không mua vật dụng, hàng hóa từ nhà dân, mà tất cả đều mua tại các điểm bán hàng theo quy định.

Người dân ở Tà Bhing vẫn duy trì các công việc làm nương rẫy, săn bắt,… như bình thường, chỉ khi có tour thì mọi người mới tham gia làm du lịch. Chị Cha Hiết Vân (29 tuổi) đã tham gia Dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu được khoảng 3 năm với tư cách là thuyết minh viên. Chị cho biết, chị rất vui khi có cơ hội tham gia làm du lịch như thế này, bởi chị vẫn đảm bảo được các công việc bình thường của một người phụ nữ Cơ Tu (chăm sóc con cái, làm nương rẫy,…) và lại có thêm thu nhập từ làm du lịch.

Có của ăn, của để

Chị Nguyễn Thị Kim Lan – Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Za Ra cho biết, HTX có đến hơn 300 hội viên tham gia, tất cả đều là người Cơ Tu, riêng HTX hiện giải quyết được khoảng 30 lao động trong làng. Hiện nay, những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của làng nghề thổ cẩm Za Ra ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã. Các sản phẩm thổ cẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, thu hút du khách trong và ngoài nước đến làng tham quan và mua sắm.

img

Nhờ tham gia liên kết làm nghề dệt thổ cẩm mà cuộc sống của đồng bào Cơ Tu trong làng ngày càng tốt hơn, có cái ăn, cái mặc và của để dành. Ảnh: Ảnh: Đại Nghĩa

“Nghề dệt thổ cẩm ở làng du lịch cộng đồng Za Ra ngày nay đối với người dân Nam Giang không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc trưng và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, mà còn là nơi bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa độc đáo vốn có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Cơ Tu nơi đây…” – chị Lan chia sẻ.

img

Những sản phẩm, hàng hóa của bà con trong làng sản xuất ra bán hết rất nhanh, không chỉ bán cho du khách đến thăm quan làng mà còn bán ra tận Đà Nẵng, Hà Nội. Ảnh: Đại Nghĩa

Già Zuông Noonh (70 tuổi, thôn Pa Rông, xã Ta Bhing) phấn khởi nói: “Nhờ có tổ chức FIDR mà cuộc sống người đồng bào Cơ tu trong làng tốt hơn, có cái ăn, cái mặt và của để dành. Nhất là những sản phẩm, hàng hóa của bà con trong làng sản xuất ra bán rất nhanh. Không chỉ bán cho du khách mà còn bán ra tận Đà Nẵng, Hà Nội,…”.

Theo chị Lan, mặt dù nghề dệt thổ cẩm có những phát triển lớn, song điều khó nhất hiện nay người dân còn nghèo nên việc đầu tư mua sắm máy móc, nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để làng nghề tiếp tục phát triển, tôi rất mong được sự quan tâm của chính quyền các cấp một cách hợp lý để đồng bào có điều kiện đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất...” – chị Lan kiến nghị.

Được biết, trong kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2019, tỉnh Quảng Nam quyết tâm xây dựng 3 mô hình OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, mô hình làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản phẩm thổ cẩm xã TaBhing, huyện Nam Giang sẽ được đầu tư và phát triển mạnh.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.