"Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh. (Ảnh minh hoạ)
Bài toán của bà Trương Thị Lệ Khanh ở thị trường Trung Quốc
9 tháng đầu năm 2019 có lẽ là khoảng thời gian kém vui đối với Công ty CP Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống cùng thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vĩnh Hoàn.
Theo đó, tác động kép từ giá xuất khẩu trung bình của cá tra Việt Nam vào Mỹ giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2018 và đơn đặt hàng thấp đã khiến giá trị xuất khẩu quý III/2019 của Vĩnh Hoàn chỉ đạt 77 triệu USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2018 và giảm 6,1% so với quý II/2019.
Kết quả, tỷ suất lợi nhuận gộp và tỷ suất lợi nhuận ròng của Vĩnh Hoàn liên tiếp trong quý II và III, lần lượt xuống mức 19,7% và 13,5% trong quý III/2019.
Giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2019 của Vĩnh Hoàn.
Những số liệu thống kê trong tháng 10/2019 tiếp tục cho thấy Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh vẫn chưa thể thoát khỏi những khó khăn hiện hữu khi doanh số xuất khẩu dù tăng 24% so với tháng 9/2019, nhưng vẫn giảm tới 29% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 28 triệu USD.
Nhìn ra toàn ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018 do giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường lớn như Mỹ, Brazil và Colombia vẫn tăng trưởng âm.
Tại thị trường Mỹ, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 232,9 triệu USD, giảm 45,8% so với cùng kỳ năm 2018 do rào cản thương mại, kỹ thuật, và giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh tác động trực tiếp tới giá xuất khẩu. Có thể nói, kết quả xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ không như mong đợi sẽ khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như Vĩnh Hoàn, Biendong Seafood, Hùng Vương không đạt doanh số như kỳ vọng.
Tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường ngoài nước. (Nguồn: VASEP)
Trong bối cảnh đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục là "cứu cánh" của các doanh nghiệp Việt Nam khi giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông tăng trưởng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018. Còn tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng đạt 552,4 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, Trung Quốc - Hồng Kông vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đa dạng nhất sản phẩm cá tra từ Việt Nam như cá tra phile đông lạnh, cá tra phile cắt khúc, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, bụng mỡ cá tra, bao tử cá tra, cá tra phile cắt tẩm gia vị đông lạnh, chả cá tra, cá tra tẩm bột đông lạnh...
Đối với Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh, tháng 10/2019, doanh nghiệp ghi nhận giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh tăng 27% so với tháng trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ thịt cá và dầu cá xuất vào thị trường Trung Quốc đều tăng. Với việc nhu cầu nhập khẩu cá tra từ thị trường Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng, Vĩnh Hoàn đã từng dự phóng thị trường mới này có thể đóng góp tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp.
Thị trường Trung Quốc sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của Vĩnh Hoàn?
Theo thống kê từ VASEP, dù giá xuất khẩu sụt giảm 24,5% kể từ quý IV/2018, song giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Trung Quốc – Hồng Kông vẫn đạt gần 450,7 triệu USD trong sau 9 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng 19,6% so với cùng kỳ. Với giá trị xuất khẩu này, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đang lớn gấp đôi so với thị trường Mỹ.
Những thông tin này là cơ sở để một số chuyên gia và công ty chứng khoán kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường dẫn dắt tăng trưởng chính cho Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh trong những năm tới.
Cụ thể, thị trường Trung Quốc với quy mô 1,4 tỷ dân - gấp 4 lần dân số Mỹ, sẽ hỗ trợ tích cực cho ngành dịch vụ ăn uống nội địa. Ngoài ra, sự phát triển của hoạt động giao thương trực tiếp thông qua 2 kênh thương mại điện tử là Alibaba và Win – Chain cũng được kỳ vọng sẽ giúp Vĩnh Hoàn chuyển từ phương pháp B2B sang B2C để có thể cung cấp sản phẩm đến tận tay khách hàng.
Về chính sách vĩ mô, động thái giảm thuế GTGT đối với thủy sản nhập khẩu từ 10% xuống 9% quyết định miễn thuế nhập khẩu đối với cá tra Việt Nam của Chính phủ Trung Quốc sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng sản lượng cá tra Việt Nam tại thị trường đông dân nhất thế giới này.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán KIS, sản lượng xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2019 - 2021. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu đạt 50% trong năm 2019 và 25% hàng năm cho giai đoạn 2020 - 2021.
“Chúng tôi ước tính doanh thu xuất khẩu vào Trung Quốc của Vĩnh Hoàn sẽ ghi nhận 37,7 triệu USD vào năm 2019, 47 triệu USD vào năm 2020 và 58,6 triệu USD vào năm 2021. Tỷ trọng đóng góp doanh thu của thị trường này trong tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn sẽ gia tăng từ 8,8% trong năm 2018 lên 12,7% trong năm 2021”, Công ty Chứng khoán KIS cho biết.
Lợi thế có nằm trong tay “nữ tướng” Trương Thị Lệ Khanh?
Bên cạnh những lợi thế đã nêu, cộng thêm chất lượng sản phẩm đã được khẳng định thông qua 45% thị phần tại thị trường Mỹ, Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh dự kiến sẽ không gặp rào cản lớn khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn chất lượng và quy định thấp hơn khiến rào cản thâm nhập vào thị trường Trung Quốc không cao. Vì vậy, xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc sẽ xuất hiện áp lực cạnh tranh giá cao hơn. Điều này mang lại rủi ro cạnh tranh trong dài hạn cho doanh nghiệp.
Tương quan giữa lợi nhuận gộp và giá cá tra nguyên liệu của Vĩnh Hoàn giai đoạn 2015 - 2019.
Đây là lúc lợi thế cạnh tranh vốn có của Vĩnh Hoàn về khả năng tự chủ vùng nguyên liệu và dây chuyền sản xuất cần được phát huy.
Khác với các doanh nghiệp xuất cá tra khác, khi giá nguyên liệu đầu vào cao sẽ ăn mòn vào lợi nhuận, Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh thường ghi nhận mức lợi nhuận cao ngay cả khi giá nguyên liệu tăng nhờ tỷ lệ tự cung cao, giúp giảm các tác động xấu từ giá thị trường tăng cao và gia tăng vị thế đàm phán giá. Từ đó, doanh nghiệp có thể tăng giá bán hợp lý khi giá nguyên liệu tăng.
Câu chuyện này từng xuất hiện vào năm 2018 khi đa số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đều ghi nhận lợi nhuận âm, biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn lại đạt mức cao nhất kể từ năm 2007.
Theo kế hoạch, Vĩnh Hoàn sẽ chi khoảng 800 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền sảm xuất và mở rộng vùng nuôi. Trong đó, bổ sung 220ha diện tích vùng nuôi tại Tân Hưng, tỉnh Long An, nâng tổng diện tích nuôi trồng lên 660ha. Vùng nuôi này dự kiến sẽ hoạt động 30% công suất vào tháng 12/2019 và khoảng 50% công suất vào giữa năm 2020.
Cùng với việc mở rộng vùng nuôi, doanh nghiệp sẽ nâng công suất tại nhà máy Thanh Bình từ 150 tấn/ngày lên 200 tấn/ngày, tập trung vào các mặt hàng giá trị gia tăng. Ngoài ra, Vĩnh Hoàn sẽ tăng gấp đôi công suất sản xuất collagen/gelatin lên 3.500 tấn/năm trong quý III/2020.
Ban điều hành Vĩnh Hoàn kỳ vọng doanh thu từ collagen/gelatin sẽ tăng 60%. Dây chuyền sản xuất phụ phẩm cũng sẽ được thêm tại nhà máy Vĩnh Phước, nhằm tận dụng tuyệt đối giá trị thương mại.