Được biết, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2018 của tỉnh Vĩnh Phúc lên đến hơn 1.032 tỷ đồng.
Xã nghèo đổi mới
Đồng bào DTTS của tỉnh Vĩnh Phúc sống rải rác trên địa bàn 5 huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Phúc Yên. Năm 2006, tỉnh có 3 xã đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III và 18 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 7 xã khu vực II.Triển khai chương trình 135, từ năm 2006 đến 2017, tỉnh đã đầu tư trên 85 tỷ đồng xây dựng 59 công trình đường giao thông nông thôn, 12 công trình thủy lợi, 17 công trình trường học, 7 công trình nhà văn hóa, 2 trạm y tế, 1 công trình chợ và 1 công trình cải tạo UBND xã. Đồng thời, đầu tư trên 65 tỷ đồng để xây dựng 32 công trình nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào DTTS; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.304 hộ, với kinh phí 391 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 989 hộ với kinh phí 11.437 triệu đồng.
Thanh long không chỉ là cây thoát nghèo, mà đã trở thành cây làm giàu của người dân huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Ảnh: V.T
Anh Lương Văn Man (dân tộc Sán Dìu ở thôn Phân Lân Hạ, xã Đạo Trù) là một trong những hộ vừa thoát nghèo vươn lên làm giàu, tâm sự: “Năm 2011, tôi được vay vốn tín dụng ưu đãi nên đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Với phương thức bán bò đực, giữ bò cái để nuôi sinh sản, tôi đã tích cóp được nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi lợn nái và thu gom mua lại của bà con trên 2ha đồi rừng để trồng bưởi Diễn. Hiện, tôi nuôi gần 100 lợn thịt, hơn chục con lợn nái và trồng trên 200 cây bưởi Diễn… cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm”.
Ông Lam Xuân Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù hồ hởi cho biết: "Xã có trên 87% dân số là người Sán Dìu, với 3.072 hộ/13.487 khẩu, trong đó hộ nghèo 280 và 701 hộ cận nghèo. Từ năm 2015 đến nay, các ngành, các cấp trên đã hỗ trợ 29 hộ DTTS nghèo làm nhà ở với tổng số tiền là 938 triệu đồng; hỗ trợ đầu thu truyền hình cho 1.500 hộ; 499 hộ được hỗ trợ mua téc hoặc xây bể nước sinh hoạt phân tán với số tiền trên 149 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đã trồng rừng, kết hợp chăn nuôi đã hình thành các trang trại, với hơn 50 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó 15 hộ có thu nhập trên 300 triệu đồng/hộ/năm”.
Thu nhập đạt gần 40 triệu đồng/người/năm
Ông Lê Hồng Công - Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Công cho biết, trước đây Lãng Công là một trong các xã khó khăn của huyện Sông Lô, song với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và các ngành, các cấp, đến nay xã đã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới và là một trong các xã phát triển nhất của huyện Sông Lô.
Theo đó, tận dụng thế mạnh có 1.200ha đồi rừng, Đảng ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn đồi, nông - lâm kết hợp, đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng. Trong sản xuất nông nghiệp, xã chủ trương dồn thửa, đổi ruộng, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 2,6%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 15 triệu đồng (2011) lên 33 triệu đồng (2019)...
Trong khi đó, xã Đại Đình (Tam Đảo) lại có thể mạnh phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại. Ông Trần Quốc Bình - quyền Chủ tịch UBND xã Đại Đình cho biết: “Nhờ vận dụng linh hoạt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và pháp triển dịch vụ - thương mại mà đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 42 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,2%”.
Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 178.000 lượt hộ nghèo, hộ thoát nghèo được sử dụng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất và tạo điều kiện cho con em đi học, doanh số cho vay đến nay đạt hơn 1.101 tỷ đồng với trên 56.227 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó cho vay hộ nghèo 18.226 hộ, hộ cận nghèo 16.232 hộ, hộ mới thoát nghèo 8.567 hộ và hàng ngàn hộ được giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động...
Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, đời sống người dân vùng nông thôn, DTTS trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm còn dưới 1,5%. Cụ thể, năm 2016, Vĩnh Phúc còn 11.901 hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, chiếm 3,93%, đến năm 2018 còn 6.921 hộ nghèo đa chiều, chiếm 2,11%.
Năm 2019, theo ước tính toàn tỉnh giảm được khoảng trên 2.400 hộ nghèo, tương đương giảm 0,65%, dự kiến đến cuối năm 2019 ước tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,5%.
Tính đến nay, Vĩnh Phúc không còn xã đặc biệt khó khăn, 37/40 xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân trên đầu người tại các xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh đạt 37,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,7%… |
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.