Ông Hồ Anh Trung - Chủ tịch UBND xã Quế Long cho biết, gà tre Đèo Le có nguồn gốc từ loài gà kiến (gà rất nhỏ con) xưa kia được người dân nuôi, thả rông trong vườn. Ban ngày chúng đi tìm các loại thức ăn như côn trùng, mối, lúa…; tối ngủ ở những bụi tre quanh nhà. Lâu ngày như vậy, dân làng đặt tên cho giống gà này là gà tre và thương hiệu gà tre Quế Sơn có từ đó. Gà tre được nuôi nhiều tại các xã miền núi như: Quế Long, Quế Phong, Quế An, Quế Hiệp…
Gà tre Đèo Le Quế Sơn là đặc sản của người dân xứ Quảng, có hương vị ngọt, thơm, thịt không quá mềm hoặc dai, da hơi giòn.
Theo ông Trung, hiện toàn xã Quế Long có hơn 90% số hộ nuôi gà, trong đó có 60 hộ chăn nuôi với quy mô lớn, 6 hộ nuôi gà giống để nhân bán, trong đó nổi bật là Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Long. Các hộ chủ yếu nuôi giống gà tre truyền thống và gà kiến thả vườn (gà ta). Những năm qua, nhờ nuôi gà mà nhiều hộ vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống. Điển hình là hộ Nguyễn Văn Công, Lê Văn Minh (ở thôn Lộc Thượng), Phan Thị Tiền (ở thôn Xuân Quê… với thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/hộ/năm.
Gà tre Đèo Le có nguồn gốc từ loài gà kiến (gà rất nhỏ con) xưa kia được người dân nuôi, thả rông trong vườn.
Gà tre chỉ có duy nhất ở những vùng quê của huyện Quế Sơn, được người dân bảo tồn và chọn lọc. Gà tre chính hiệu là giống gà bản địa thuần chủng nên nhỏ con, chậm lớn, có chân nhỏ màu vàng, nhanh nhẹn. Nuôi từ 2,5 - 3 tháng là bán và gà chỉ nặng khoảng 0,7 - 0,9 kg/con. Đặc biệt, sau khi làm thịt và nhổ lông, lớp da của gà thường có màu vàng rực như màu nghệ.
Gà tre Đèo Le có giá bán từ 110.000 - 120.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Công (53 tuổi, ở thôn Lộc Thượng), người nuôi gà tre lâu năm chia sẻ: “Điểm mạnh của giống gà này là dễ nuôi, sức đề kháng cao, thức ăn cũng dễ mua gồm bột bắp, lúa, phụ phẩm nông nghiệp. Hiện nay gia đình tôi nuôi 1.500 con/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa, cùng với đó là cung cấp giống cho các hộ nuôi trên địa bàn. Mỗi năm, từ việc nuôi gà, tôi lãi trên 200 triệu đồng”.
Bà Phan Thị Tiền (thôn Xuân Quê) cho biết, gia đình bà nuôi gà tre đã hơn 10 năm. “Hiện gia đình nuôi từ 600-800 con/lứa, năm 3 lứa. Trung bình mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng gần 3.000 con, với giá bán từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, cộng với việc bán giống gà tre, tôi lãi hơn 100 triệu đồng” - bà Tiền cho hay.
Hiện xã Quế Long đã đăng ký sản phẩm gà tre Đèo Le tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Nam năm 2019.
Gà tre Đèo Le được chế biến bằng nhiều món ăn như nướng, hấp hành, rô ti hoặc luộc…. Gà trộn với rau răm, hành tím đập dập và lá chanh xắt nhỏ, ăn kèm muối tiêu, ớt xiêm. Vị thơm, ngọt của gà hòa quyện với vị cay cay, nồng nồng của rau răm, của ớt, tiêu làm nên sự hấp dẫn tuyệt vời cho món gà “danh bất hư truyền” ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam).
Hiện xã Quế Long đã đăng ký sản phẩm gà tre Đèo Le tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Nam năm 2019.
Ông Lê Ngọc Trai - Giám đốc HTX Nông nghiệp Quế Long cho biết, “hiện chúng tôi đang xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm gà tre Đèo Le nhằm giải quyết đầu ra cho người dân, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi tập trung và áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp cận thị trường…”, ông Trai nói.
“Hiện xã Quế Long đã đăng ký sản phẩm gà tre Đèo Le tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Nam năm 2019, sắp tới chính quyền địa phương sẽ nhân rộng mô hình này, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân…”, ông Hồ Anh Trung - Chủ tịch UBND xã Quế Long cho hay.