Dân Việt

3 năm liên tiếp khủng hoảng giá, người trồng cà phê đuối sức

Nguyên Vỹ 03/12/2019 16:53 GMT+7
Trong lúc cà phê rớt giá thê thảm, viễn cảnh đối nghịch đặt ra khi người tiêu dùng đượcdùng cà phê nhiều hơn để bảo vệ sức khỏe nhưng người trồng cà phê thì đuối sức.

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam cho biết như thế tại Diễn đàn Phát triển cà phê Việt Nam bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng giá diễn ra ngày 3/12 tại TP.HCM.

img

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam

Ông Tự kể, tại một cuộc họp ở London mới đây, các chuyên gia thế giới đã bàn rất nhiều đến giải pháp làm sao trợ giá cho nông dân. Một quan điểm được nêu ra là khuyến khích tiêu dùng cà phê nhiều hơn.

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy cà phê có tác dụng trong việc chống ung thư. “Tuy nhiên, trong lúc cà phê rớt giá thê thảm, viễn cảnh đối nghịch đặt ra khi người tiêu dùng được dùng cà phê nhiều hơn, góp phần bảo vệ sức khỏe nhưng người trồng cà phê thì ngắc ngoải. Mức sống của người trồng cà phê hiện nay rất đáng quan tâm” - ông Tự nói.

img

Nông dân trồng cà phê đang tiếp tục đối diện cuộc khủng hoảng rớt giá kéo dài. Ảnh: Hương Giang

Theo ông Tự, cần phải mất nhiều thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Hiện Việt Nam đã trải qua năm thứ 3 của khủng hoảng giá, và vẫn chưa biết chắc năm sau tình hình có cải thiện hơn hay không.

Hiện, giá cà phê thế giới đã có dấu hiệu nhích lên nhưng mặt bằng chung vẫn còn rất thấp. Các biện pháp sắp tới phải giúp người trồng tiếp tục gắn bó với cây cà phê thay vì bỏ cây trồng đã gắn bó lâu năm hoặc chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

img

Khuyến khích tiêu dùng cà phê nội địa là một trong những giải pháp nhằm tăng sức tiêu thụ.

Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ tài chính vì nông dân đang đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán lãi suất ngân hàng. Hoặc các biện pháp giãn nợ từ phía ngân hàng cũng cần đặt ra. Nếu không, mùa trồng sau, nông dân lại tiếp tục đối diện những khó khăn cũ.

Trao đổi với các diễn giả quốc tế, ông Tự cho biết Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ hội tốt mở cửa thị trường; nhất là sản phẩm chế biến như cà phê hòa tan, rang xay.

img

Giá cà phê thế giới gần đây đã nhích lên nhưng việc phục hồi sản xuất còn hạn chế.

Hiện Việt Nam và các nhà xuất nhập khẩu đang cải thiện chuỗi giá trị, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực nâng cao năng lực chế biến. “Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng và thúc đẩy tiêu thụ cà phê trong nước. Thông qua đó, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ nông dân tiêu thụ tốt hơn và giúp họ sớm vượt qua khủng hoảng” - ông Tự chia sẻ.

Ông Thái Như Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai), cho rằng trong việc thích ứng với BĐKH hiện nay, nước và giống đang là những vấn đề nan giải đặt ra với nông dân trồng cà phê.

Thực tế hiện nay, người trồng loay hoay đối diện với nhiều khó khăn. Các yếu tố này khiến giá thành sản xuất trong tăng cao so với thế giới. Chỉ khi giải quyết tốt nguồn giống thích ứng và vấn đề nước tưới mới giúp việc kháng cự BĐKH có hiệu quả.

img

Các diễn giả quốc tế bàn giải pháp giúp phát triển cà phê bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biến động giá

Ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt lại nhìn nhận cuộc khủng hoảng giá hiện nay là cơ hội để thay thế nguồn giống cà phê mới, cho năng suất cao hơn.

Chương trình tái canh cà phê và hàng loạt biện pháp như xen canh, tưới nước tiết kiệm... mà ngành nông nghiệp thực hiện nhiều năm qua đang cho những kết quả tích cực.

"Việt Nam xác định khi đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do thì chuyện giá lên xuống là tất yếu theo quy luật thị trường. Việc cần thiết là tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ từ kỹ thuật, tài chính đến thống tin để người trồng điều chỉnh việc sản xuất”, ông Đức chia sẻ.