Hàng giả, hàng nhái tràn lan, DN chân chính khốn đốn
Hiện nay, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, DN tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến gia tăng, phức tạp được xác định là do lợi nhuận “siêu khủng”.
Thông tin từ Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, hàng giả mạo và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở nhiều ngành hàng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu…
Theo đó, nguồn thu bất chính từ việc gian, giả là vô cùng lớn, ví dụ như một chiếc túi xách giả mạo thương hiệu nổi tiếng nếu “trót lọt” có thể bán được với giá từ hàng chục đến vài trăm triệu đồng trong khi giá trị thật nhỏ hơn gấp hàng trăm lần.
Doanh nghiệp vẫn "loay hoay" tìm cách đối phó với hàng giả.
Do đó, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện cả những "đường dây" khép kín từ sản xuất đến phân phối rất khó phát hiện. Mặt khác, không ít DN chân chính bị làm giả làm nhái không dám lên tiếng vì sợ người tiêu dùng phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả sẽ không sử dụng.
Theo chia sẻ của cty cổ phần khóa Việt Tiệp, cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất khác ở Việt Nam, đơn vị này cũng đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái.
“Mặt hàng bị làm giả nhiều nhất của công ty chúng tôi là khóa tay tròn, hay còn gọi là khóa quả đấm. Những sản phẩm giả này được bán cho các thợ làm cửa nhôm rất nhiều. Họ lừa gia chủ đó là khóa Việt - Tiệp. Người thiệt thòi nhất vẫn là người sử dụng, bỏ tiền ra mà mua phải khóa giả.
Có trường hợp người dân gọi đến Việt Tiệp yêu cầu bảo hành sản phẩm, họ thắc mắc vì sao tôi mua khóa Việt Tiệp mà nhanh hỏng vậy, được 1-2 tháng đã hỏng. Khi chúng tôi cử nhân viên kỹ thuật về xem, thì bóc ra toàn thấy khóa giả. Như thế, chúng tôi phải tốn nhiều thời gian đưa người về, tháo ra cho người dân xem, phân tích cho họ biết đâu là thật đâu là giả”, đại diện CTCP khóa Việt Tiệp cho hay.
Cũng theo chia sẻ từ Công ty cổ phần khóa Việt Tiệp, việc sản phẩm bị làm giả không những ảnh hưởng doanh thu của những doanh nghiệp, bên cạnh đó, thương hiệu bị mang tiếng, uy tín giảm, người tiêu dùng sẽ “e dè” hơn khi lựa chọn sản phẩm.
Ông Phạm Ngọc Minh, đại diện CTCP Y dược Khánh Thiện, chia sẻ thêm DN đã có nghiên cứu và sáng chế ra máy và viên thuốc ngải nhằm điều trị theo phương pháp y học cổ truyền của dân tộc.
Tuy nhiên, qua khảo sát thị trường, đặc biệt là trên mạng internet, DN này cũng “ngã ngửa” khi phát hiện ra sản phẩm bị làm nhái với kiểu dáng tương tự, giá thành thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/sản phẩm. Theo ông Minh đánh giá, các sản phẩm giả này có chất lượng kém, không có giấy tờ đảm bảo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của DN.
Đánh giá về tình trạng trên, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch CLB Tiếp thị & Truyền thông Việt Nam phân tích, đối với DN xuất hiện tình trạng sản phẩm bị làm giả có nghĩa là thương hiệu đó đang có những vị thế nhất định đối với khách hàng và có rất nhiều tiềm năng phát triển, mở rộng.
Tuy nhiên, khi sản phẩm bị làm giả, nhái, niềm tin của người tiêu dùng vào chất lượng, thương hiệu sẽ suy yếu. Từ đó, DN giảm cơ hội mở rộng thị phần ảnh hưởng tới các mục tiêu doanh số, lợi nhuận.
Chế tài xử phạt hàng giả lỏng lẻo, DN phải tự bảo vệ mình
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhái thông qua hình thức thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng có nhiều biện pháp để sàng lọc “từ khóa” nhằm vượt qua các biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng.
Cũng theo đánh giá của đại diện Bộ Công Thương, hiện nay, năng lực của cán bộ còn hạn chế và hệ thống pháp lý còn yếu, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ chưa mang tính răn đe. Ngoài ra, việc quản lý các thương nhân trên sàn TMĐT gặp rất nhiều khó khăn, bởi một sàn giao dịch có thể lên tới hàng triệu người không rõ danh tính tham gia bán hàng.
Chất lượng sản phẩm được giao dịch thông qua các sàn TMĐT vẫn đang bị "thả nổi".
Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Phó trưởng Phòng 11, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho hay, theo các văn bản pháp luật hiện hành, mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự không được quy định rõ. Do đó, dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính.
“Ngành thương mại điện tử là ngành mới, việc đào tạo bài bản hiện nay còn thiếu. Công tác phối hợp còn hạn chế. Trong chính sách pháp luật thì một trong những nghị định then chốt về thương mại điện tử là Nghị định 52/CP thì chúng tôi cũng đề xuất sửa đổi một số vấn đề liên quan đến mô hình hoạt động thương mại điện tử, điều kiện kinh doanh thương mại điện tử, cung cấp thông tin sản phẩm, công khai các chính sách về quy định…
Chúng ta sẽ cố gắng hoàn thiện chế tài của Nghị định 52 trong năm 2020. Về chế tài, Nghị định 185 vừa rồi bổ sung một loạt hành vi, bổ sung hình phạt đến 40-50 triệu đồng”, ông Hải thông tin thêm.
Trên thực tế, hiện nay, dù liên tục kiểm tra và xử lý, song nhiều bất cập về chế tài xử lý đã làm “bó tay” các lực lượng thực thi pháp luật. Do đó, theo đánh giá từ giới chuyên gia, các DN cần tích cực tìm kiếm và thực hiện các giải pháp để tự bảo vệ mình trước hàng giả, hàng nhái. DN có thể đề xuất ưu đãi về thuế, đất đai để hạ giá thành sản xuất nhằm cạnh tranh trực tiếp với hàng giả, hàng nhái.