Dân Việt

Vượt rào cản, xuất khẩu thủy sản hướng đến con số 10 tỷ USD

Khánh Nguyên 04/12/2019 13:48 GMT+7
Bất chấp những khó khăn về mặt thị trường, cạnh tranh thương mại gia tăng, xuất khẩu (XK) thủy sản 10 tháng năm 2019 vẫn đạt được con số ngoạn mục, hơn 7 tỷ USD. Mục tiêu con số 10 tỷ USD vào cuối năm nay có thể sớm trở thành hiện thực.

Những kết quả ấn tượng

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), năm 2019, bên cạnh những diễn biến bất lợi cho ngành thủy sản như cạnh tranh thương mại gia tăng; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang; giá nguyên liệu thủy sản giảm nhưng vẫn cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.

Trong đó, việc cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức thông báo kết quả đánh giá hệ thống quản lý ATTP và kiểm soát sản phẩm cá Siluriformes của Việt Nam là tương đương với hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP của Mỹ mở ra triển vọng mới cho XK cá tra.

img

Công nhân chế biến tôm xuất khẩu.  Ảnh: I.T

Việc Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu biên mậu; tăng cường kiểm soát chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc trong khi nhiều doanh nghiệp nước ta chủ quan, chưa đáp ứng yêu cầu đã khiến sản lượng cũng như kim ngạch XK thủy sản sang thị trường này giảm đáng kể.

Những thời cơ mới trên thị trường đã lập tức mang lại những kết quả ấn tượng. Thống kê cho thấy, kim ngạch XK thủy sản lũy kế đến hết tháng 10/2019 ước đạt 7,086 triệu USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết các thị trường XK thủy sản chính vẫn duy trì mức tăng trưởng (thị trường Mỹ đạt 1,2 triệu USD; Nhật Bản đạt 1,2 triệu USD; Trung Quốc và Hongkong đạt 1,1 triệu USD…).

Tuy nhiên, giá nguyên liệu giảm không chỉ khiến giá trị XK giảm mà còn ảnh hưởng lớn đến người nuôi. Cụ thể, giá tôm nguyên liệu giảm thấp từ đầu tháng 3 đến tháng 8/2019 đã làm ảnh hưởng đến kim ngạch XK toàn ngành; từ cuối tháng 3 đến nay, giá cá tra giảm liên tục và hiện duy trì ở mức 20.500 - 21.500 đồng/kg (giảm 5.000 - 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018).

Xuất hiện những khó khăn mới

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), bên cạnh những thuận lợi, thị trường XK thủy sản xuất hiện những khó khăn mới khi các nước liên tục dựng những hàng rào kỹ thuật.

Đơn cử như với thị trường Trung Quốc, thị trường này cấp phép nhập khẩu cho từng loài, dạng sản phẩm thủy sản (hiện có 128 loài, dạng sản phẩm thủy sản Việt Nam và 48 loài thủy sản sống trong danh sách được phép nhập khẩu vào Trung Quốc); đồng thời tăng cường kiểm tra điều kiện ATTP, vệ sinh thú y và mã số truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, phía Trung Quốc còn gia tăng yêu cầu và thời gian xem xét, cấp phép bổ sung doanh nghiệp và loài, dạng sản phẩm thủy sản. Hiện mới có 665 doanh nghiệp chế biến thủy sản trong danh sách được phép XK vào Trung Quốc, các đề nghị bổ sung của phía Việt Nam chưa được Trung Quốc chấp thuận, mặc dù phía Việt Nam đã có nhiều văn bản đề nghị.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý chất lượng thủy sản (NFQS) thuộc Bộ Hải dương và Thủy sản quản lý danh sách các cơ sở chế biến thủy sản không sử dụng phụ gia XK vào Hàn Quốc; Bộ ATTP và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) quản lý danh sách các cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản có sử dụng phụ gia XK vào nước này...

Để hóa giải những thách thức này, khai thác tốt nhất cơ hội, hạn chế rủi ro, phấn đấu đạt mục tiêu XK thủy sản 10 tỷ USD năm 2019, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất thủy sản tập trung đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản nuôi và công tác kiểm dịch trong xuất nhập khẩu tôm nguyên liệu, tăng cường xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh.

Kiểm soát tốt chất lượng, ATTP thủy sản nguyên liệu; kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm, góp phần đảm bảo uy tín của ngành tôm Việt Nam. Khuyến khích phát triển sản xuất thủy sản theo hướng liên kết chuỗi và áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC…