Nếu như năm 2012, lượng thuốc trừ cỏ nông dân toàn tỉnh sử dụng chỉ vào khoảng 9 tấn, thì 5 năm sau, năm 2017 đã tăng lên hơn 2 lần (khoảng 20 tấn). Nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn lao động trong nông nghiệp nên phải sử dụng thuốc trừ cỏ để trừ cỏ nhanh, giảm ngày công.
Người dân tại các vùng của TP.Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan. Ảnh: Đăng Hải
Kết hợp với các ưu điểm như chi phí thấp và tiện lợi mà trừ cỏ bằng thuốc ngày càng được ưu tiên lựa chọn. Ngoài ra, những thay đổi trong phương thức canh tác lúa, chuyển dần từ cấy sang gieo thẳng cũng khiến lượng thuốc trừ cỏ sử dụng ngày một tăng. Nếu như năm 2011, diện tích gieo thẳng toàn tỉnh có hơn 3.000ha (chiếm khoảng 4%) thì đến nay đã là 34.000ha (chiếm 44,2%).
Trong khi đó, quy trình canh tác lúa gieo thẳng bắt buộc phải phun thuốc trừ cỏ. Bà Đinh Thị Thao - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình cho biết, vụ mùa, thường xuyên xuất hiện các đợt mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa phải gieo đi gieo lại nhiều lần, đi cùng với đó là số lần sử dụng thuốc trừ cỏ tăng lên.
"Đặc biệt một bộ phận nông dân còn sử dụng thuốc trừ cỏ chưa theo nhãn thuốc, chưa đúng kỹ thuật, còn tăng nồng độ, liều lượng, phun chưa đúng thời điểm dẫn đến phải phun thuốc trừ cỏ nhiều lần, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người phun thuốc, sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường sinh thái"- bà Thao nói.
Để đạt được mục tiêu hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch để bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xuất khẩu bà Thao cho hay: Sắp tới, Chi cục cũng siết chặt công tác quản lý việc sử dụng, kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, không nhập và bán những loại thuốc đã loại khỏi danh mục.
Theo bà Thao, bên cạnh đó, Chi cục cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền tập huấn, nâng cao nhận thức cho người kinh doanh, người sử dụng hiểu rõ về ưu điểm, nhược điểm của thuốc trừ cỏ, về kỹ thuật sử dụng thuốc trừ cỏ an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, Chi cục cũng yêu cầu các địa phương không tiếp tục mở rộng diện tích gieo sạ, đồng thời rà soát lại các diện tích lúa gieo sạ đã có, chỉ những vùng điều tiết được nước mới cho gieo sạ tránh việc phải gieo đi gieo lại nhiều lần, làm tăng số lượt phun thuốc trừ cỏ.
"Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chúng tôi cũng mong người nông dân cũng phải nâng cao kiến thức, ý thức trong việc sử dụng thuốc trừ cỏ, có như vậy những tác hại của thuốc trừ cỏ mới sớm được kiểm soát" - bà Thao khuyến cáo.