Dân Việt

Nam Định: Nông dân mua phân bón Lâm Thao, 6 tháng mới phải trả tiền

Thu Hà 05/12/2019 15:32 GMT+7
Để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân kịp thời đầu tư sản xuất, đồng thời tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, những năm qua, các cấp Hội ND tỉnh Nam Định đã tích cực phối hợp doanh nghiệp thực hiện chương trình cung ứng phân bón trả chậm.

Nông dân tin dùng

Lão nông Nguyễn Văn Thạnh (ở xã Hải An, huyện Hải Hậu) là một trong những người tiên phong hiến đất xây dựng nông thôn mới của địa phương, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ông cũng là người trồng lúa giỏi và có nhiều kinh nghiệm hay trong sử dụng phân bón. Ông Thạnh chia sẻ: “Làm nông thời nay đơn giản lắm, tất cả là nhờ áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi...”.

img

  Ông Bùi Văn Sớm ở xã Hải Quang (Hải Hậu, Nam Định) bên vườn đinh lăng cho thu nhập cao. Ảnh: Phạm Quân

"Thời gian tới, Hội ND các cấp tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến quy trình sử dụng NPK khép kín tới hội viên nông dân, đưa các sản phẩm của công ty trực tiếp tới hội viên nông dân, giúp bà con tránh mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần mang lại những vụ mùa bội thu” .

Ông Nguyễn Hùng Mạnh -
Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định

Cũng theo ông Thạnh, gia đình ông có 9 mẫu ruộng cấy, trung bình 1 năm cấy 2 vụ lúa, với giống Bắc Thơm số 7, đầu tư hết khoảng 2 tấn phân NPK Lâm Thao và supe Lâm Thao (trung bình mỗi vụ sử dụng 1 tấn phân), đạt năng suất vượt trội, từ 1,8 - 2 tạ/sào (sào Bắc Bộ). Không chỉ tin dùng phân bón của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho cây lúa, nhiều nông dân Nam Định còn sử dụng cho cả cây đinh lăng. Ông Bùi Văn Sớm là người đầu tiên khởi xướng và thành công với mô hình trồng cây đinh lăng ở Hải Quang, Hải Hậu. Hiện ông Sớm có 1 mẫu đinh lăng, chia ra làm 4 mảnh vườn. Ông trồng và thu hoạch kiểu “cuốn chiếu” để năm nào cũng có đinh lăng bán. Trung bình, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 3 tấn đinh lăng.

“Những năm đầu trồng đinh lăng, tôi còn băn khoăn chưa biết bón loại phân gì cho tốt. Khi bón phân NPK của Công ty Lâm Thao cho lúa, đọc hướng dẫn trên bao bì tôi cũng thử bón trên diện tích nhỏ cây đinh lăng, ấy vậy mà hiệu quả không ngờ. Bón phân Lâm Thao, cây đinh lăng nhanh lớn, cho năng suất cao, củ to đẹp”, ông Sớm nói.

Theo ông Sớm, kỹ thuật trồng đinh lăng rất dễ, mỗi cành chặt nhỏ ra thành từng đoạn dài 25cm (gọi là hom). Làm đất rồi lên luống cao 30cm, rộng 1m, mật độ trồng 4 cây/m2. Sau khi trồng, cần tưới nước đủ ẩm trong vòng 2 tháng để đảm bảo cây sống và ra rễ. Mỗi ha, nên bón lót 10 - 15 tấn phân chuồng, 400 - 500kg phân NPK Lâm Thao, bón toàn bộ lượng phân lót, tránh bón sát vào hom giống. Trong năm đầu tiên trồng, sẽ tiến hành bón thúc vào tháng 6 sau khi trồng. Đến cuối năm trồng thứ 2, vào tháng 9, bón thêm phân chuồng 6 tấn/ha trộn cùng 300kg NPK Lâm Thao và 100kg kali.

Xây dựng nhiều mô hình trình diễn điểm

Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón và bà con nông dân, mỗi năm, các cấp Hội ND tỉnh Nam Định đã cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón Lâm Thao trả chậm đến tận tay bà con nông dân. Theo hình thức cung ứng phân bón trả chậm của Hội, nông dân sẽ được cung cấp đủ lượng phân bón theo nhu cầu nhưng chưa cần phải thanh toán tiền ngay, mà sẽ trả sau 6 - 12 tháng.

“Nhiều hội viên, nông dân Nam Định khi biết về chương trình cung ứng phân bón trả chậm đều thích đăng ký tham gia vì công ty cho trả chậm 6 tháng đối với cây lúa và hoa màu; 12 tháng đối với cây ăn quả. Nghĩa là bà con được cấp phân bón từ đầu vụ sản xuất, tới khi thu hoạch nông sản mới phải trả tiền mà không hề bị tính lãi suất. Thực hiện chương trình cung ứng phân bón trả chậm, nông dân Nam Định bớt nỗi lo phân bón đầu vụ, giảm áp lực về vốn, không lo mua phải phân bón giả, kém chất lượng” - ông Nguyễn Hùng Mạnh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định cho biết.

Ngoài việc bán phân bón trả chậm, Hội ND tỉnh Nam Định còn phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hàng nghìn cán bộ, hội viên, nông dân. Tại các hội nghị tập huấn, các hội viên, bà con nông dân đã được nghe các cán bộ chuyên môn của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phổ biến, chia sẻ các kiến thức về dinh dưỡng cây trồng.

Đáng chú ý, để đánh giá hiệu quả phân bón NPK Lâm Thao NPK 5.10.3 và NPK 16.8.16 từ đó làm cơ sở tuyên truyền, giới thiệu, khuyến cáo hội viên nông dân sử dụng, vụ mùa năm 2019 Hội ND tỉnh Nam Định phối hợp với doanh nghiệp xây dựng 4 mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK Lâm Thao hàm lượng cao tại 4 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Vụ Bản.

Đầu tháng 10/2019 vừa qua, tại hội trường UBND xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng), Hội ND tỉnh đã phối hợp cùng Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổng kết 4 mô hình. Qua quá trình thực nghiệm, đánh giá kết quả 4 mô hình cho thấy, khi sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín cho cây lúa, do được cân đối giữa đạm, lân, kali nên cây lúa mập, cứng cây, khả năng chống đổ tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung, chống chịu sâu bệnh tốt. Khi quan sát tại đầu bờ nhận thấy ruộng mô hình có mật độ bông dày, to, trùng bông, hạt chắc mẩy, lá vàng sáng...

“Có thể nói, khi sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín, bà con nông dân đã giảm bớt công lao động, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón thừa trong đất, giảm thất thoát phân, đảm bảo cân đối các loại phân bón theo đúng nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa, từ đó nâng cao chất lượng nông sản và tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích” - ông Mạnh khẳng định.