“Trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương. Đó chẳng phải là hạnh phúc lớn lao nhất của đời người hay sao?” – bà Thông chia sẻ về lớp học tình thương của mình như thế.
Vừa dạy, vừa dỗ
Một chiều thu nơi cửa biển, nắng trải vàng trên khắp những con đường, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Ngư Lộc. Tiếng ê a không tròn vành, rõ chữ vọng xuống khoảng sân rộng phía dưới. Nhiều năm nay, vào buổi chiều các ngày trong tuần, lớp học tình thương của cô giáo Thông đều đặn diễn ra ở tầng 2.
Bước vào lớp học rộng chừng 20m2, một tấm bảng to và 5 bộ bàn ghế đủ kiểu dáng, được gom nhặt lại, kê ngay ngắn thành hai dãy bàn. Ngồi chung một lớp nhưng mỗi em học một chương trình, em học sách lớp 1, em học sách lớp 3, em lại học sách lớp 5... Vì thế mà bàn ghế, bảng viết trong lớp này cứ chia đều thành hai. Phần bên phải dành cho lớp 1, 2; bên trái dành cho lớp 3, 4. Riêng lớp 5 sẽ được cô giáo ra bài rồi làm trực tiếp ngay trên vở.
Trên bục giảng, cô giáo đang say sưa giảng về nghĩa của từ “tâm”, phía dưới những đứa trẻ nước da đen mặn, mặt mũi lấm lem chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời. Lớp học không có tiếng trống trường thúc giục vội vã, không có sự ồn ào, náo nhiệt, mà ấm cúng, gần gũi bởi tình thương vô bờ bến của cô giáo dành cho những đứa trẻ có số phận kém may mắn.
Nguyễn Văn Dương là “anh cả” của lớp, năm nay đã 19 tuổi, khuôn mặt ngờ nghệch, đôi mắt vô hồn đờ đẫn, cũng là người theo học lớp này lâu nhất. Suốt 5 năm qua, “anh cả” Dương chăm chỉ đi học, giờ Dương đã biết viết, biết tính và học đến chương trình sách lớp 5. Dương cười: “Ở lớp vui lắm, cô giáo không quát mắng bao giờ. Nhờ cô mà Dương biết viết chữ đẹp, biết đọc chữ trên tivi đấy…”.
“Gần 20 tuổi đầu mà vẫn ngây ngô như đứa trẻ mẫu giáo” - bà giáo già bắt đầu câu chuyện của mình bằng thái độ cảm thông. Phần lớn, học sinh trong lớp mắc các chứng khuyết tật, như: thiểu năng trí tuệ, tự kỉ, tim bẩm sinh... Chính vì vậy, bà tự nghiên cứu các giáo trình riêng, phù hợp với thể trạng từng em. Muốn giảng cho các em hiểu, phải giảng nhiều lần. Với học sinh bình thường, chỉ 1 năm là các em thành thạo mặt chữ, biết tính toán sơ đẳng nhưng các em khuyết tật phải mất hàng năm trời, thậm chí có em học đến 3 tháng vẫn không nhớ nổi 5 chữ cái, cứ nói trước các em lại quên sau. Có những em đang học lại đứng lên khua tay múa chân, không chịu ngồi yên, có em lầm lì cả ngày chẳng chịu nói câu nào. “Những ngày trái gió trở trời, có em bị đau đầu dữ dội, chúng gào thét, cào cấu liên hồi, cắn xé quần áo. Nhìn thấy bạn như vậy, các em khác gào theo, em lại cười ầm lên, tất cả đều căng như dây đàn. Mới đầu tôi luống cuống không biết xử lý ra sao. Nhưng dần dần tôi đã tìm đọc thêm nhiều sách để biết các xoa dịu cơn đau của những đứa trẻ bị khuyết tật. Những lúc như vậy tuyệt đối không được quát tháo, to tiếng, người giáo viên phải bình tĩnh, ôm học trò vào lòng, từ từ dỗ dành, nịnh cho ăn kẹo, cho đi chơi… bằng cả tình yêu thương của người bà, người mẹ rồi các em sẽ bình tĩnh lại” – bà Thông mỉm cười chia sẻ.
Trong suốt 3 giờ lên lớp, cô giáo Thông cứ luôn chân luôn tay, lúc thì cầm tay bạn học sinh mới nắn nót viết từng chữ o, chữ a, lúc thì cùng bạn lớn hơn cộng nhẩm, làm toán,…Giờ giải lao, cô giáo cũng không được nghỉ mà ngồi giảng bài, kèm riêng cho những em học yếu. Cầm tay nắn nót từng nét chữ cho bé Bùi Gia Bảo, 8 tuổi, là em út của lớp học, bà Thông cho biết: “Bảo mới nhập học nên phải kèm. Trước kia, Bảo và mẹ sống ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh) vì không có giấy khai sinh nên em không thể đi học được. Bởi thế mà, 8 tuổi, Bảo mới bắt đầu học chương trình lớp 1. Những ngày đầu, Bảo hiếm khi ngồi im, không trêu bạn này, chọc bạn kia thì ngủ gật. Mỗi lần như thế tôi lại phải bên cạnh vừa động viên, vừa tỏ ra cứng rắn để uốn nắn cậu học trò nhỏ bất kham. Đến nay, Bảo cũng đã bắt đầu biết viết các chữ cái và tập đánh vần”.
Không dừng lại ở việc dạy đọc, dạy viết, dạy hát, dạy vẽ… bà Thông còn dạy học trò về kĩ năng sống, về các ứng xử với mọi người xung quanh. Học sinh nam được bà dạy cho cách giúp đỡ bố mẹ, sửa sang đồ đạc trong nhà... Còn học sinh nữ đơn giản chỉ là cách vệ sinh thân thể, kèm những bài học về giới tính. Để những đứa trẻ kém may mắn ấy có cơ hội được hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn. Từ những đứa trẻ rụt rè, mặc cảm, nhiều em đã cởi mở, thân thiện, lễ phép hơn với mọi người xung quanh. Em Hoàng Ly Thảo, 17 tuổi, bập bẹ, kể: “On (con) rất ương (thương) cô. Lúc trước con không ói (nói) và không biết àm (làm) toán, bi ờ (bây giờ) biết hết”.
Phụ huynh của em Thảo, chia sẻ: “Thực sự, phải có tâm lắm thì bà giáo Thông mới làm được như vậy. Bởi tôi biết, đến ngay cả dạy những đứa trẻ có nhận thức bình thường nhiều khi cũng còn cảm thấy đau đầu nói gì đến những đứa trẻ khiếm khuyết thế này. Vậy mà các em đến đây, ai bà Thông cũng coi như con cháu của mình. Chăm sóc, dạy bảo chúng nó từng chút một. Đứa nào nghèo quá bà cho tiền mua sách vở, đồ dùng học tập. Nếu không có bà, chúng tôi chẳng biết sẽ mang con đi đâu nữa”.
Sống không chỉ cho riêng mình
Ở cái tuổi mà người ta sum vầy bên con cháu để an hưởng tuổi già, bà Thông vẫn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của xã nhà. Có lần bị ngã gãy tay, phải đi bó bột, bác sĩ dặn bà phải nghỉ ngơi một thời gian vì tuổi già sức yếu, xương khớp bị lão hóa lâu hồi phục. Nhưng bà chỉ nghỉ ngơi một tháng rồi quay lại lớp vì lo “vắng mình các con không nghe lời, lớp học sẽ tan rã”. Nhiều phần thưởng, bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành đã ghi nhận sự đóng góp của bà đối với sự nghiệp trồng người nơi chân sóng Ngư Lộc.
Là người phụ nữ không có chồng, con, tài sản duy nhất bà có là tình yêu thương của cô giáo và học trò. Bà luôn xem mỗi học sinh như con, cháu của mình. Đổi lại tấm lòng của bà Thông là sự tiến bộ của những học trò đặc biệt, nhiều em đã đọc thông, viết thạo, học tập tiến bộ rõ rệt khiến chính cha mẹ các em cũng bất ngờ. Mỗi em ấp ủ trong mình một giấc mơ, có em ước mơ sau này sẽ làm cô giáo, kỹ sư, bác sĩ… hay chỉ đơn giản là mở một quầy bán vải, lấy chồng (vợ), sinh con. “Đây là điều hạnh phúc nhất của một bà giáo già như tôi. Tôi chỉ mong sao có sức khỏe để tiếp tục dẫn dắt các em vào đời, hỗ trợ phần nào khó khăn cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, góp một phần nhỏ công sức của mình để giảm gánh nặng cho xã hội” - bà Thông nói.
Với bà giáo Thông, thành công nhất là đào tạo cô học trò khó khăn Bùi Thị Xuyến. Bà kể, Xuyến khuyết tật khuôn mặt, hai tay lại không có ngón nên đến năm 14 tuổi cũng chỉ lầm lũi theo mẹ ra biển nhặt ngao. “Mãi đến năm 2006, sau nhiều lần thuyết phục gia đình, Xuyến mới được đến lớp học của tôi. Người ta học mỗi ngày một chữ thì em này phải mất đến ba, bốn ngày vì bàn tay không thể cầm bút. Hướng dẫn mãi, cầm nắm mãi em mới viết được những nét cơ bản nhất. Được cái em Xuyến tiếp thu rất nhanh, dần dần quen với bút và bây giờ viết chữ rất đẹp. Em theo học xong chương trình tiểu học, đến cấp II, cấp III theo khóa bổ túc. Đến nay thành tài rồi, là cô giáo tiểu học ở ngoài tỉnh, tháng nào cũng về ghé qua đây phụ tôi dạy học” - bà giáo Thông tự hào kể lại.
Bà Thông cho biết, vào các dịp lễ, như: 8-3, 20-10, 20-11, phụ huynh quan tâm, gửi bà phong bì. Tuy nhiên, bà đều kiên quyết trả lại. “Tôi không nhận phong bì, đây là việc tôi tự nguyện. Giáo dục là dạy làm người, không phải mua bán. Tuy nhiên, dịp 20-11 năm nào tôi cũng nhận đươc những chiếc thiệp viết tay với nét chữ nguệch ngoạc, chúc cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc của học trò mang tặng. Kèm theo đó là những gói rau, đôi chục quả trứng, con cá tươi của phụ huynh các em gửi gắm. Đấy, tiền bạc vật chất nào sánh bằng những món quà vô giá như vậy”.
Có lẽ, nếu không phải xuất phát từ tình yêu thương chân thành đến xót xa cho số phận của những đứa trẻ nghèo, những đứa trẻ khiếm khuyết cả về thể chất lẫn tinh thần thì bà giáo Thông đã không đủ động lực để duy trì lớp học tình thương gần 20 năm qua. Giờ đây, đã bước vào cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng bà giáo già ấy vẫn ngày ngày đến lớp và coi đó là trách nhiệm của mình.
Bà Thông khiêm tốn: “Việc làm này vừa giúp các em biết chữ, giúp bố mẹ chúng giảm bớt gánh nặng, lại cũng giúp đầu óc tuổi già không bị trì trệ và dẻo dai chứ không có gì to tát. “Cho” những đứa trẻ chữ cái, con số cũng là để cho các em bớt đi phần nào thiệt thòi trong cuộc sống. Tôi không cho phép mình và các em nhụt chí, chỉ có như vậy xã hội mới công nhận và trao cho các em cơ hội về một tương lai không xa. Mai đây, các em sẽ được đối xử bình đẳng, sống có ích như bao người khác. Và tôi vẫn sẽ tiếp tục đến khi nào còn có thể. Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều nên đi cùng các em được đến bao giờ, tôi sẽ cố hết sức”.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc chia sẻ: “Cô giáo Thông là tấm gương nhân ái hết lòng vì trẻ em bất hạnh. Chúng tôi rất trân trọng và luôn lấy gương cô để giáo dục cho cán bộ, nhân viên học tập, làm theo”. |