Tây Bắc lạnh cắt da như ấm hơn bởi sự quan tâm của bạn đọc báo NTNN, những nhà tài trợ với tấm lòng vàng luôn đồng hành cùng các hoạt động thiện nguyện của báo.
Trưởng ban Bạn đọc Báo NTNN Lê Minh (trái) - trao quà cho người dân xã Mường Chiên. |
Những người bạn đồng hành đáng quý
Hà Nội những ngày cuối tháng Hai rét ngọt, ai cũng muốn quấn mình trong chăn ngủ thật ngon. Chưa đến 3 giờ sáng, chục hội viên Hội Tích thiện liên phường Hà Nội, chủ yếu là người lớn tuổi, và các cán bộ, nhân viên Báo NTNN đã tập trung đưa hàng hóa lên xe tải.
Cụ Tô Thị Phúc – nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.Hà Nội, năm nay đã 71 tuổi là thành viên tích cực của đoàn chuyên đi làm từ thiện, gần thì các tỉnh miền Bắc, xa thì vào tận miền Trung, nhưng các chuyến đi trước đều tương đối thuận lợi bởi đường sá khá tốt.
Còn lần này, phóng viên của Báo NTNN đã đi “tiền trạm” và thông báo: Muốn tới xã Mường Chiêng và Pắc Ma Pha Khinh (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) phải vượt quãng đường bộ hơn 400km, trong đó cung đường xuyên Tây Bắc nhiều đoạn xuống cấp dằn xóc như... cưỡi ngựa.
Ông Dương Đức Nguyện - Phó Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay
Khi tới trung tâm thị trấn Quỳnh Nhai phải đi tiếp bằng thuyền gần 2 giờ đồng hồ xuyên qua lòng hồ Thủy điện Sơn La. Chưa hết, khi thuyền cập bến phải tháo giày lội bộ thêm 3km đường đất mới tới được trung tâm xã. Với người cao tuổi thì chặng đường này quả là gian nan, nhưng cụ Phúc chỉ cười hiền từ: “Nhiều nơi bà con còn khổ, mình còn sức thì cứ đi thôi. Mà lạ lắm, tôi càng đi nhiều, càng khỏe ra!”.
Anh Lê Văn Hiền – tài xế Công ty cổ phần TMDV Vận tải Thuận Yến – người có “thâm niên” đưa hàng từ thiện cùng NTNN mấy năm nay cho biết, những chuyến đi cùng NTNN bao giờ cũng là những chuyến hàng “khó xơi” đối với cánh tài xế, bởi điểm đến luôn là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Không chỉ đóng vai tài xế, anh còn kiêm luôn nhiệm vụ bốc xếp, bảo vệ hàng hóa. Xe tải chỉ đi được đến đường chính, thay vì nằm trong cabin đánh một giấc để lấy sức thì anh lại hăng hái trèo đèo, lội suối vác hàng đến tận thôn bản cùng bà con.
“Rất may là Giám đốc công ty (ông Phạm Văn Nghĩa – PV) luôn luôn ủng hộ việc làm này. Tất cả các chuyến đi cùng NTNN, công ty luôn miễn phí. Tôi là lái xe, được góp sức vào đã cảm thấy vui rồi” – anh Hiền nói.
Niềm vui của người dân xã Pắc Ma Pha Khinh khi nhận quà. |
Trong chuyến đi lần này có một “trục trặc” khiến mọi người cảm thấy vui vui. Đó là rạng sáng 25.2, chiếc xe tải của anh Hiền sau khi đã đóng hàng đầy thùng, dưới sân, hàng vẫn còn chất đống. Gọi điện thoại về công ty thì các xe đều đang đi theo hợp đồng. Mọi người hết sức lo lắng bởi “lịch” hẹn với bà con nghèo đã xếp đâu vào đó, nếu chờ có xe, bà con lại phải đợi là điều rất không nên. Nhớ ra ông bạn đồng nghiệp Trần Bình cũng có chiếc xe tải, anh Hiền bấm điện thoại “cầu cứu”.
Đầu dây bên kia là giọng ngái ngủ của “ông bạn vàng” Trần Bình: “Em xin anh cho em ngủ, trời rét thế này có trả tiền gấp đôi, em cũng không đi đâu”. Anh Hiền trả lời: “Anh chở áo ấm và chăn bông đi Tây Bắc tặng bà con nghèo nhưng xe chở không hết hàng, tiền bạc bao nhiêu chú cứ tính…”.
Không cần suy nghĩ nhiều, anh Bình đáp nhanh: “Nếu vậy thì em đi ngay, chỉ cần đổ dầu cho xe nó chạy thôi, còn tiền bạc công xá, em không lấy!”. Thế là Báo NTNN có thêm một “bạn đồng hành” từ sự “trục trặc” đáng yêu kia.
Món quà ý nghĩa
Rạng sáng 25.2, khi phố phường thủ đô còn chìm sâu trong giấc ngủ thì đoàn công tác đã lên đường. Đường xấu, xe chạy suốt đến gần 21 giờ mới tới trung tâm huyện Quỳnh Nhai. Đoàn được huyện bố trí nghỉ tại nhà khách của huyện. Đúng lịch, rạng sáng 26.2, 500 suất quà đã được đưa lên thuyền tiếp tục vượt hồ để đến với nông dân nghèo vùng tái định cư Thuỷ điện Sơn La.
Quà từ xe tải được chính các hội viên Hội Tích thiện liên phường Hà Nội và các phóng viên lâu nay chỉ quen cầm bút vác xuống chất đầy trên 2 chiếc thuyền máy loại lớn, từ trung tâm huyện nhằm hướng Pắc Ma Pha Khinh rẽ nước. Những làn sương sớm mỏng mảnh trên mặt lòng hồ Thuỷ điện Sông Đà tạt qua mạn thuyền làm mọi người co ro vì lạnh.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ bồng bềnh sóng nước, đoàn đã đến được trung tâm xã Pắc Ma Pha Khinh. Hàng trăm người dân với đủ lứa tuổi đã tề tựu đông đủ để đón nhận tấm lòng hảo tâm của những con người miền xuôi.
Ông Tòng Văn Mung, dân bản Khoang 3, lưng áo còn ướt đẫm mồ hôi vì vừa xắn tay lao vào giúp đoàn vận chuyển quà, giọng đầy phấn khởi: Tôi rất vui vì được nhận món quà này của Báo NTNN. Đây là lần đầu tiên tôi được nhận quà từ thiện mà lại do trực tiếp các nhà tài trợ trao tặng. Món quà không lớn nhưng rất có ý nghĩa với chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng đây không chỉ là món quà vật chất mà còn là tấm lòng sẻ chia của Báo NTNN và các nhà tài trợ đối với nông dân nghèo miền núi.
Ông La Văn Tưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Pắc Ma Pha Khinh, người đã ra tận bến phà huyện để đón đoàn và đưa đường về xã, cho biết: Xã có hơn 630 hộ, đều là đồng bào Thái còn nhiều khó khăn. Vì thế chúng tôi rất trân trọng sự giúp đỡ của Báo NTNN và các nhà từ thiện. Hôm nay, 250 hộ dân trong xã chúng tôi và trường mầm non của xã được nhận hàng trăm chiếc chăn ấm và quần áo, đây thật sự là niềm vui, nguồn động viên thiết thực với chúng tôi.
Tại trung tâm xã Mường Chiên, xúc động đón nhận túi quà tặng từ những người hảo tâm trong đoàn, bà Điêu Thị Huynh - nông dân bản Hé, thật thà: Cha ông mình có câu: "Của một đồng, công một nén". Các nhà báo và nhà từ thiện đã không quản ngại vất vả, xa xôi, vượt hàng trăm cây số đèo dốc, sông suối lên tận đây để trao quà cho chúng tôi, tấm lòng ấy thật không thể tính hết. Sự sẻ chia này làm chúng tôi càng hiểu rõ hơn lời dạy cao quý về tinh thần đại đoàn kết của Bác Hồ. Nếu không có tấm lòng nhân hậu, không có tinh thần đại đoàn kết thì chắc cả đời tôi chẳng bao giờ được nắm tay những con người ở tận Hà Nội như hôm nay.
Gần 14 giờ cùng ngày, buổi trao quà từ thiện mới kết thúc. Chị Lê Minh - Trưởng ban Bạn đọc Báo NTNN thở phào: “Không ngờ bà con ở đây nhiệt tình và mến khách đến như vậy. Bà con không chỉ đến nhận quà mà còn xắn tay giúp đoàn trao quà được chính xác và nhanh gọn hơn”.
Chúng tôi chia tay với những người dân Quỳnh Nhai trong quyến luyến, đậm đà tình người. Những cái bắt tay rất chặt, những lời ước hẹn gửi trao. Ôm chiếc chăn mới trên tay, cụ bà Lò Thị Em, 89 tuổi, ở bản Bon, xã Mường Chiên, rơm rớm nước mắt: Có chiếc chăn và bộ quần áo ấm này, mẹ không còn sợ cơn gió rét những ngày đông; chẳng thấy buồn lòng khi nhà vắng vẻ. Cái chăn, cái áo này là tình người hội tụ, mẹ sẽ giữ gìn nó như một kỷ niệm hữu ích, hữu tình”.
Ghi chép của Kiều Thiện - Hữu Danh