Dân Việt

Lan tỏa “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”

Nguyễn Tố 05/12/2019 16:24 GMT+7
Ra mắt từ năm 2012, Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” không còn xa lạ gì với bà con nông dân ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2, điểm mới của chương trình là chuyển đổi cách xây dựng các mô hình điểm gắn liền với 1 xã nông thôn mới (NTM), vừa nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa chung tay xây dựng NTM mới ở các địa phương.

50 doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV đồng hành

Bình Phước là địa phương có tiềm năng phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn trái - là những loại cây cần nhiều thuốc BVTV. Theo tính toán của một chủ trang trại cây ăn trái “có tiếng” tại thị xã Đồng Xoài, với mỗi ha cây ăn trái, người trồng phải chi phí khoảng 20 triệu đồng thuốc BVTV/năm. Như vậy, lượng thuốc BVTV tiêu thụ hàng năm trên địa bàn tỉnh là rất lớn, đồng nghĩa với lượng bao bì thuốc BVTV không nhỏ.

Theo ông Ba Đảo - chủ trang trại Ba Đảo (ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long), mỗi năm trang trại gần 60ha của ông phải chi  khoảng 300 triệu đồng thuốc BVTV, tương đương với kinh phí chi cho phân bón. Ông Ba Đảo cho biết sẵn sàng chịu một phần chi phí nếu các công ty, nhà máy sản xuất thuốc BVTV thu gom và xử lý số bao bì độc hại này.

img

    Thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV là một trong những hoạt động thường niên của Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”. (ảnh: Nguyễn Tố)

Còn chủ trang trại Quý Đông ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, thì tỏ ra bức xúc khi các công ty, nhà máy sản xuất và nhập khẩu thuốc BVTV chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ không có trách nhiệm đối với nông dân trong việc thu gom, xử lý bao vỏ thuốc...

Mong muốn của 2 ông chủ trang trại phát triển theo hướng VietGAP cũng chính là hướng đi của Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” giai đoạn II (2017-2021).

Ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - đơn vị đã đồng hành với chương trình từ những ngày đầu, khẳng định: “Giai đoạn I của chương trình mới chủ yếu triển khai ở các tỉnh phía Nam, và do các chi cục BVTV các tỉnh chỉ đạo. Nhưng bước sang giai đoạn II, Cục BVTV trực tiếp làm “nhạc trưởng” và chương trình cũng đã lan rộng trên nhiều tỉnh, thành của cả nước. Đó chính là hiệu quả nhìn thấy được mà không cần phải số liệu chứng minh nhiều”.

Gắn với chương trình NTM

Bước sang năm thứ 2 của giai đoạn II (2017 - 2022), chương trình chuyển đổi cách xây dựng các mô hình điểm gắn liền với 1 xã NTM điển hình tại địa phương. Bên cạnh công tác tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, trồng hoa bờ ruộng, vườn thu hút thiên địch và tạo cảnh quan nông thôn; chương trình còn hướng người nông dân tham gia sản xuất nông sản an toàn, xây dựng các mã số vùng trồng cho nông sản xuất khẩu, tạo sự liên kết giữa các công ty xuất nhập khẩu nông sản với các tổ hợp tác, HTX tại địa phương nhằm tạo đầu ra cho nông sản. 

Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã phát hơn 590.454 tờ rơi, dán 26.530 poster tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông thôn để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của bà con nông dân. Đồng thời đã tập huấn cho 4.900 sinh viên trường Đại Học Đà Lạt, Tiền Giang, Cửu Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ.

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục BVTV, Trưởng ban điều hành chương trình, cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, không chỉ trong phạm vi 1 xã mà sẽ mở rộng ra 1 huyện, thậm chí 1 tỉnh thành, làm sao để sức lan tỏa của chương trình ngày một lớn, ngày càng nhiều nông dân có cơ hội tiếp cận với chương trình”.

Một điểm nhấn đặc biệt khác của chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” là hoạt động truyền thông rộng rãi đến cộng đồng thông qua giải đua xe đạp Đồng bằng sông Cửu Long qua các năm từ 2013 đến 2018. Với sự cổ vũ nhiệt tình của nhân dân, giải đua xe đạp mang thông điệp “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nông thôn hướng đến sản xuất nông sản an toàn.