Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2019 của huyện ước đạt 15%. Đến nay, huyện đã xây dựng, duy trì thực hiện được 16 cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm, mỗi cánh đồng với diện tích thấp nhất là 20ha/vụ và diện tích lớn nhất trên 100ha/vụ.
Hàng chục nhà màng, nhà lưới được xây dựng để sản xuất các cây trồng hàng hóa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, mang lại lợi nhuận hơn 800 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện cũng phát triển 216,9ha cây ăn quả có múi tập trung với giá trị thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Đáng nói, việc liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nông sản của huyện Thọ Xuân đã trở thành điển hình của tỉnh. Từ việc phát triển mạnh hoạt động sản xuất đã góp phần quan trọng để huyện nâng cao thu nhập cho nhân dân. Dự ước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 42,6 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm nhanh. Nếu cuối năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 18,53%, thì đến ngày 30/6/2019, còn 2,42%.
Mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới theo hướng công nghệ cao tại xã Xuân Khánh. (ảnh: Lê Đồng)
Với tổng nguồn lực huy động hơn 7.000 tỷ đồng, gần 10 năm qua, huyện Thọ Xuân đã nhựa hóa và bêtông hóa 100% đường liên xã, liên thôn trên địa bàn. Giai đoạn 2011-2019, huyện đã đầu tư 242,6 tỷ đồng để nâng cấp, xây mới 57 công trình trường học với 362 phòng học và 57 nhà hiệu bộ, chỉnh trang khuôn viên các nhà trường; mua sắm, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học...
Sau khi trở thành huyện NTM tháng 9/2019, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân đang tập trung duy trì, củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện NTM. Phấn đấu đến năm 2025, huyện có 36/36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã đạt NTM kiểu mẫu trở lên và huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.