Dân Việt

Đưa đặc sản OCOP lên sàn thương mại điện tử

MInh Hồng 21/12/2019 12:30 GMT+7
Đó là mục tiêu của Dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới” do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Bộ NNPTNT phối hợp thực hiện.

Thúc đẩy phát triển bền vững

Phát biểu tại buổi hội thảo khởi động dự án vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết: Ở nước ta, việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã tạo nên một khu vực nông thôn có nhiều đổi thay rõ nét, kết cấu hạ tầng mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển chung của xã hội, việc tăng cường thông tin về các đặc sản vùng, miền vào chương trình quảng bá du lịch cả trong nước và quốc tế nhằm tăng cường hơn nữa liên kết sản xuất, thực hiện công tác marketing tổng thể trên phương diện quốc gia là cần thiết.

Qua đó, các địa phương có cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm phát triển các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, phát triển các sản phẩm OCOP theo chu trình, đồng thời nâng cao năng lực của người dân nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Dự án sẽ được thực hiện trong 2 năm 2019-2020, với mức kinh phí 500.000USD.

img

Các sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử sẽ là giải pháp tốt cho việc tìm đầu ra.  Ảnh: Minh Hồng  

IFAD là một cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc, thành lập năm 1977, hoạt động như một thể chế tài chính quốc tế, là quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp, ưu tiên cho các dự án sản xuất lương thực tại các nước đang phát triển như Việt Nam.

Dự án nhắm tới hai mục tiêu chính: Tăng cường tiếp cận thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn (hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) giảm nghèo thông qua việc thiết lập cổng thông tin điện tử hỗ trợ tiếp cận thị trường. Việc xây dựng mô hình thí điểm “Kênh hỗ trợ thương mại điện tử các sản phẩm OCOP” trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, thương mại các sản phẩm hàng hóa dịch vụ tại khu vực nông thôn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - đại diện Văn phòng IFAD tại Hà Nội chia sẻ: Văn phòng điều phối nông thôn mới T.Ư và IFAD thực hiện dự án với mong muốn sớm cho ra mắt “phần mềm” vừa đơn giản, vừa dễ hiểu, nhưng nội dung phải thiết thực, hiệu quả để kết nối giữa nông dân với nhau, các tổ hợp tác, các doanh nghiệp… đưa sản phẩm ra thị trường một cách bền vững.

Cần nhân rộng mô hình

Hiện nay, dự án đang tiến hành khảo sát và đánh giá nhu cầu về sử dụng các nền tảng công nghệ phục vụ thương mại điện tử các sản phẩm OCOP, mà đối tượng là người sản xuất nhỏ, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP tại một số địa phương.

Trên cơ sở đó, xây dựng cổng thông tin điện tử hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các sản phẩm OCOP. Cổng thông tin điện tử hỗ trợ tiếp cận thị trường này được vận hành trên máy tính và các thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng…) có thể kết nối, gắn kết với các hệ thống cung cấp thông tin hiện hữu tại địa phương (truyền hình, truyền thanh, bảng tin…).

Được biết, đầu năm 2020, dự án sẽ thí điểm thành lập kênh hỗ trợ thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP thuộc Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư và Văn phòng Điều phối nông thôn mới của 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Bến Tre.

Bà Lê Thị Vân Hồng - đại diện Ban chỉ đạo dự án IFAD tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Nông dân thời nay không thể sản xuất những sản phẩm đang có mà phải sản xuất ra những sản phẩm thị trường đang cần. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện nay là đúng lúc, nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò hợp tác xã, doanh nghiệp trong khâu kết nối, xâu chuỗi hình thành những vùng nguyên liệu lớn…

Tuy nhiên, để duy trì hệ thống bền vững, dự án cần xác định rõ đối tượng vận hành. Bà Hồng nêu cụ thể: Thực tế, tỉnh Quảng Bình cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới đang đảm đương khối lượng công việc khá lớn của chương trình nông thôn mới, nếu kiêm thêm việc cập nhật thông tin cổng điện tử sẽ quá tải.

Đại diện tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Bến Tre đều chung kiến nghị: Bước đầu, dự án phải tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ đơn giản, dễ hiểu để người dân dễ dàng tiếp cận. Làm thế nào để ứng dụng kênh thương mại điện tử hiệu quả. Qua đó,  Bộ NNPTNT và tổ chức IFAD sẽ nhân rộng mô hình cho tất cả các tỉnh đang có sản phẩm OCOP, chứ không dừng ở các tỉnh được hưởng thụ dự án IFAD như hiện nay.

img