Dân Việt

Vĩnh Phúc tìm đầu ra cho sản phẩm mũi nhọn

Tuấn Linh 08/12/2019 17:09 GMT+7
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, Vĩnh Phúc sẽ phát triển và tiêu chuẩn hóa 13 sản phẩm thế mạnh và phấn đấu các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.

Các sản phẩm này gồm: Thanh long ruột đỏ (Lập Thạch); su su, trà hoa vàng, ba kích (Tam Đảo); chuối tiêu hồng (Yên Lạc); rau an toàn (Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Yên); dưa chuột an toàn, gạo Long Trì, trứng gà an toàn (Tam Dương); thịt gà an toàn (Tam Dương, Tam Đảo); thịt lợn an toàn Phát Đạt, thịt lợn thảo dược (Phúc Yên); rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường).

img

   Trồng su su lấy ngọn - một đặc sản có tiếng ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: P.V

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của Vĩnh Phúc hiện nay vẫn chưa ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công; các chủ thể sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết trong sản xuất còn thấp. Việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh còn thụ động, dẫn đến hiệu quả, tính bền vững chưa cao, chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm.

Để thực hiện có hiệu quả OCOP trong thời gian tới, Sở NNPTNT Vĩnh Phúc sẽ phối hợp các địa phương tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với mô hình chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu chất lượng của thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu. Tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chí đánh giá, xếp hạng của Bộ NNPTNT, tạo điều kiện để các sản phẩm tham gia hội chợ OCOP, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tích cực đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý Chương trình OCOP các cấp trong các lĩnh vực: Quản trị - kinh doanh, chiến lược sản phẩm, phân phối sản phẩm và xúc tiến thương mại.

Bên cạnh việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân, các HTX và doanh nghiệp hiểu về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP đem lại, các địa phương đã và đang tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...

Để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, cuối năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”. Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020 có 256 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ dành 9 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực và tư vấn cho các hợp tác xã tham gia thí điểm mô hình áp dụng công nghệ cao; hỗ trợ thiết bị, in nhãn mác, bao bì xuất xứ sản phẩm hàng hóa.

Vĩnh Phúc hỗ trợ 100% chi phí tổ chức thực hiện áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ các hợp tác xã xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.