Dân Việt

Đất khó Mường Pồn đặt kỳ vọng vào cây bưởi da xanh

Vinh Duy 09/12/2019 21:58 GMT+7
Trước đây xã Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nổi tiếng nhất vùng về giống cam ngon, ngọt. Sau nhiều năm trồng, giống cam bị thoái hóa, người dân chỉ biết trông chờ vào cây lúa, đói nghèo vẫn đeo đẳng hàng năm. Giờ đây, bà con đang kỳ vọng ở hướng đi mới: Trồng bưởi da xanh.

Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã xây dựng dự án phát triển giống bưởi da xanh tại xã Mường Pồn. Bà Cao Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Nông dân Điện Biên cho biết: “Xã Mường Pồ có đủ điều kiện tự nhiên, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ăn quả, đặc biệt là cam, bưởi. Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, khí hậu phù hợp, giao thông thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, người dân mong muốn được phát triển các loại cây ăn quả tại địa phương”.

Thử nghiệm mô hình điểm

img

  Anh Lò Văn Thiện (bản Cò Chạy 2), một hộ tham gia dự án, đánh giá rất cao về phương pháp chăm sóc bưởi da xanh sử dụng chế phẩm sinh học. Ảnh: T.T

"Khó nhất là việc bón các chế phẩm sinh học làm sao cho đúng, đủ. Người dân quen với cách làm cũ, nay áp dụng khoa học vào lúc đầu còn rất bỡ ngỡ, nhưng bây giờ đã quen, chắc chắn giống bưởi da xanh sẽ đem lại thu nhập cao cho người dân”.

Anh Lò Văn Thiện

Để thực hiện dự án, Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã lựa chọn 7 hộ có điều kiện, kinh nghiệm về trồng, chăm sóc cây ăn quả để trồng thử nghiệm giống bưởi da xanh trên diện tích 4,2ha.

Theo bà Cao Thị Tuyết Lan, cái hay của mô hình không phải là trồng giống bưởi da xanh mà chính là việc sử dụng phân bón vi sinh để chăm sóc cây bưởi. Đây là mô hình điểm nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế tại địa phương

Chị Lù Thị Quyên - 1 trong 7 hộ tham gia dự án, chia sẻ: “Nhà tôi cũng trồng nhiều loại cây ăn quả, nhưng chưa bao giờ được hướng dẫn chăm sóc cây theo cách bón, sử dụng các chế phẩm vi sinh vật. Phương pháp này tuy mới nhưng dễ làm, cây bưởi sau khi trồng một thời gian ngắn đã phát triển rất tốt”.

Theo đánh giá của lãnh đạo xã Mường Pồn, do tập quán canh tác, trình độ thâm canh và khả năng đầu tư của người dân còn hạn chế, nên tình trạng vườn tạp kém hiệu quả, sâu bệnh trên cây trồng còn nhiều. Vì thế nhiều năm qua, các giống cây ăn quả tại đây sinh trưởng và phát triển rất kém, nhiều sâu bệnh, năng suất và sản lượng quả thấp, không ổn định... Khi triển khai mô hình, được cán bộ kỹ thuật của Hội Nông dân tỉnh xuống hướng dẫn, không chỉ 7 hộ dân tham gia thực hiện dự án mà rất nhiều hộ dân đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.

Bén rễ, phát triển tốt

Dự án được triển khai trồng từ tháng 8/2019, đến nay tỷ lệ cây sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Lò Văn Tuân ở bản Lĩnh cho biết: “Chưa bao giờ chúng tôi chăm sóc cây bằng chế phẩm sinh học như thế này. Người dân vẫn quen với cách sử dụng phân chuồng, phân vô cơ để chăm sóc cây, vì thế cây rất dễ bị sâu bệnh. Tham gia dự án, chúng tôi được Hội Nông dân tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Từ việc đào hố, trồng cây, bón phân, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh... đều được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn”.

Sau 5 tháng triển khai, đến nay toàn bộ 4,2ha bưởi da xanh của dự án đều sinh trưởng, phát triển tốt. Các hộ dân tham gia dự án đều tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, bón phân của các kỹ sư đưa ra.

“Hàng tuần các kỹ sư trực tiếp xuống thăm diện tích bưởi da xanh của 7 hộ và có hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăm sóc, cách phát hiện sâu bệnh. Khó nhất là việc bón các chế phẩm sinh học làm sao cho đúng, đủ. Người dân quen với cách làm cũ, nay áp dụng khoa học vào lúc đầu còn rất bỡ ngỡ, nhưng bây giờ đã quen, chắc chắn giống bưởi da xanh sẽ đem lại thu nhập cao cho người dân” - anh Lò Văn Thiện, nông dân ở bản Cò Chạy 2, tâm sự.

Dự án mới bắt đầu, cây bưởi da xanh đã bén dễ trên vùng đất khó Mường Pồn. Cái được của dự án không phải chỉ 7 hộ dân được hưởng lợi mà chính là việc 7 hộ dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật, nắm bắt được quy trình trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh, sử dụng chế phẩm sinh học, sau đó sẽ tuyên truyền đến các hộ dân khác trong xã triển khai thực hiện.