Dân Việt

Hết nghèo, trở thành triệu phú nhờ... dựa vào rừng

Hải Đăng 07/12/2019 19:00 GMT+7
Là một trong những xã nghèo vùng sâu của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nhưng không trông chờ vào những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền, nhân dân xã Trường Sơn đã chủ động phát triển kinh tế, chăn nuôi kết hợp với trồng và bảo vệ rừng. Nhờ thế, địa phương này đang bứt phá mạnh mẽ, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhiều hộ dân có thu nhập cao.

Triệu phú rừng

Những ngày này, cùng với việc tỉa cành, tạo tán cho diện tích keo của gia đình, bà Đinh Thị Điều ở xóm Cột Bài, xã Trường Sơn lại tranh thủ thời gian đi chăn thả, cắt cỏ lá cây phục vụ đàn trâu của mình.

Từng là một hộ nghèo, khó khăn của xã Trường Sơn, sau nhiều năm được địa phương hỗ trợ, tiếp sức, giao rừng để sản xuất, đến giờ gia đình bà Điều đã tự tin vươn lên trở thành hộ khá, giàu ở trong xã.

img

Nhờ sống dựa vào rừng, gia đình bà Đinh Thị Điều ở xóm Cột Bài, xã Trường Sơn đã thoát nghèo vươn lên, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Hải Đăng

Bên cạnh việc bảo vệ, chăm sóc gần 10ha rừng sản xuất và rừng đầu nguồn, gia đình bà Điều còn nuôi trên 10 con trâu. Trung bình mỗi năm, từ việc chăn nuôi dựa vào rừng, gia đình bà Điều có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

"Chăn nuôi ở đây rất thuận lợi, không chỉ có bãi chăn thả mà nguồn thức ăn ở rừng như cỏ, lá cây cũng rất phong phú và đa dạng nên đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh, lớn nhanh", bà Điều nói.

Bà Điều chia sẻ thêm, trước đây, người dân xã Trường Sơn cũng có rừng nhưng cây rừng chưa già thì đã bị chặt non để bán lấy tiền, trong khi đó, diện tích rừng trồng lại rất thấp do người dân không có kỹ thuật, trồng nhỏ lẻ, phân tán theo quy mô hộ gia đình nên diện tích đất trống, đồi núi trọc ngày càng tăng. Không có rừng giữ đất, mưa lũ, thiên tai cũng khắc nghiệt hơn trước, nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề...

"Tuy nhiên những năm qua, phong trào trồng rừng phát triển ở khắp các thôn trong xã. Những cánh rừng ngày càng nhân rộng, đồng nghĩa với cái đói, cái nghèo được đẩy lùi và thiệt hại do thiên tai, mưa lũ cũng giảm bớt ", bà Điều khẳng định.

Cùng xã với gia đình bà Điều, gia đình ông Đinh Công Hậu - Trưởng xóm Tháy Mỏ cũng đang hưởng lợi từ rừng. Ông Hậu cho hay: Giờ riêng công việc tỉa cành, chặt những cây nhỏ đem bán, gia đình tôi cũng thu được từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Hậu bảo: Trước đây trồng cây sắn, cây ngô thì nhanh được thu hoạch nhưng vất vả mà lợi nhuận rất thấp. Mấy năm gần đây, bà con chuyển sang trồng rừng, tuy mất vài năm để có thể thu hoạch nhưng giá trị kinh tế mang lại lớn hơn nhiều.

"Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục tận dụng những diện tích đất còn lại để trồng rừng, trong đó tập trung vào cây quế để có nguồn thu nhập cao, ổn định hơn", ông Hậu nói.

img

Nghề nuôi trâu vỗ béo đang mang lại thu nhập cao cho bà con ở Trường Sơn. Ảnh: Hải Đăng

Tiếp tục hỗ trợ người dân

Trao đổi với chúng tôi, ông Bạch Chí Điển - Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho hay: Từ chủ trương phát triển kinh tế rừng của huyện, xã Trường Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân biết cách “dựa vào rừng mà sống”.

Nếu như trước đây, phần lớn người dân trong xã trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước nên khi được giao trồng rừng, họ không mấy mặn mà. Nhiều hộ nhận cây về để chết khô hoặc chỉ trồng qua loa lấy lệ, không chịu chăm sóc, cây còi cọc… Nhưng bây giờ, khi bà con được tuyên truyền, hỗ trợ cây giống, vốn, kỹ thuật thì rừng đã phủ màu xanh khắp xã. Đầu ra cũng rất thuận lợi vì trên địa bàn xã và huyện đã có doanh nghiệp chế biến gỗ thu mua với giá cao hơn so với gỗ non.

Cũng theo ông Điển, ngoài triển khai trồng rừng bền vững (7-8 năm mới thu hoạch), chính quyền xã còn tích cực cùng người dân bảo vệ rừng; khuyến khích người dân tận dụng đất, kết hợp trồng rừng và chăn nuôi, trồng cây ăn quả để gia tăng giá trị kinh tế.

Theo UBND xã Trường Sơn, hiện xã có tổng diện tích tự nhiên 3.060ha; trong đó đất nông nghiệp là 2.728ha; đất phi nông nghiệp 152ha; đất chưa sử dụng là 180 ha. Để ổn định đời sống bà con, xã đã lấy kinh tế rừng làm trọng tâm, trong đó, xác định trồng rừng sản xuất và một số loại cây có giá trị kinh tế cao gắn liền với chăn nuôi gia trại vừa và nhỏ.

"Đặc biệt, đối với những hộ nghèo, cận nghèo chúng tôi đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp bà con được tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường và đầu tư cho việc học tập của con cái...", ông Điển chia sẻ.

Từ một xã nghèo nhất của huyện Lương Sơn, giờ đây, Trường Sơn đã là xã có ít hộ nghèo nhất huyện. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 21 triệu đồng/năm.

Cũng theo ông Điển, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với người dân để hoàn thành kế hoạch trồng rừng; các cấp, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng để duy trì bền vững tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của rừng trồng, giúp bà con thoát nghèo bền vững và làm giàu được từ rừng.

Dù lợi ích từ rừng mang lại khá lớn, nhưng theo bà con xã Trường Sơn, chính sách hỗ trợ giao bảo vệ rừng đầu nguồn của Nhà nước hiện chưa thực sự tạo động lực cho người dân bám, bảo vệ rừng. Ông Đinh Công Hậu cho biết, hiện gia đình ông đang được giao bảo vệ gần 3ha rừng đầu nguồn nhưng mỗi năm chỉ được hỗ trợ khoảng 200.000 đồng/ha.

"Dù biết bảo vệ rừng là bảo vệ tài nguyên nước, đất, không khí... phục vụ cuộc sống nhưng Nhà nước nên tăng mức hỗ trợ lên khoảng từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/ha thì hợp lý, góp phần đảm bảo cuộc sống cho bà con sống bên rừng", ông Hậu kiến nghị.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.