Như vậy, một trong những nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bị đe dọa. Điều 5 của Hiệp ước quy định bất cứ cuộc tấn công nào vào một thành viên của NATO cũng là hành động tấn công cả khối. Bây giờ các nước thành viên phải chi tiêu bao nhiêu cho NATO? Trump dự định tăng giá bằng cách nào? Sau đây là bài của Sputnik về nội dung này.
Nếu không nộp tiền thì sẽ không được bảo vệ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giáng một đòn nặng nề vào NATO. Xin nhắc lại rằng, Mỹ chi khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho ngân sách quân sự, và người đứng đầu Nhà Trắng chỉ trích các đồng minh có ngân sách quân sự nhỏ hơn.
"Một số nước chi tiêu ít hơn 1% , điều này không thể chấp nhận được. Nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi phải bảo vệ họ. Điều này là không công bằng, không trung thực", Tổng thống Trump nói với các nhà báo.Các chuyên gia ngay lập tức lưu ý rằng, nhà lãnh đạo Mỹ trên thực tế không chấp nhận Điều 5 của Hiệp ước NATO quy định bất cứ cuộc tấn công nào vào một thành viên của NATO cũng là hành động tấn công cả khối. Đây là một nguyên tắc cơ bản.
Năm 2014, các thành viên NATO đã đạt được một thỏa thuận tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP đến năm 2024. Tuy nhiên, Donald Trump, với tư cách là tổng thống Mỹ, đòi các đồng minh phải ngay lập tức tăng phần đóng góp vào ngân sách NATO.
“Trong nhiều năm liền, các vị tổng thống đã cố gắng, nhưng không thành công, ép buộc Đức và các quốc gia thành viên giàu có khác phải chi tiêu nhiều hơn để NATO bảo vệ khỏi Nga. Tại sao chỉ có 5 trong tổng số 29 quốc gia thành viên thực hiện cam kết của mình?”, Donald Trump đã tweet vào tháng 7 năm 2018.Và ông viết thêm: “Cần phải trả 2% GDP, và không phải vào năm 2025 mà ngay bây giờ. Cuối cùng, phải có 4%”.
Vào tháng 8/2019, Trump tiếp tục quở trách các đồng minh không trả đủ tiền vào ngân sách khối Bắc Đại Tây Dương.
"NATO có thái độ rất không công bằng đối với Mỹ", Trump phẫn nộ trên twitter.Để trấn an ông, vào cuối tháng 11, ban lãnh đạo của liên minh đã sửa đổi công thức đóng góp vào ngân sách NATO. Tỷ lệ đóng góp của Đức cho ngân sách NATO tăng từ 14,8% đến 16%, còn tỷ lệ đóng góp của Mỹ giảm từ 22% xuống 16%.
Hóa ra, Washington vẫn không hài lòng với điều này.
“Nếu các nước không nộp khoản đóng góp 2% (GDP) vào NATO thì có thể tôi sẽ phải áp dụng một số biện pháp liên quan đến thương mại, Trump cảnh báo, - Và tôi nắm trong tay các át chủ bài trong lĩnh vực thương mại”. Kiếm tiền để làm gì?Điều đáng chú ý là, tại hội nghị lãnh đạo kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, Trump trên thực tế đã thừa nhận rằng, NATO hiện không có kẻ thù cụ thể.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên hòa hợp với Nga”, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh.Trong tình huống này, tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây ra vụ scandal có vẻ rất hợp lý: "trước khi nói về việc tăng ngân sách quân sự, liên minh cần phải hiểu được mục tiêu của NATO là gì".
"Không nước nào cần NATO nhiều hơn Pháp, và những phát ngôn như vậy của Paris là rất nguy hiểm", Tổng thống Trump đáp trả.Sự phẫn nộ của nhà lãnh đạo Mỹ là dễ hiểu: Mỹ kiếm được rất nhiều tiền nhờ việc bảo vệ các đồng minh. Trước hết, bằng cách bán vũ khí.
Theo truyền thống lịch sử, chính người Mỹ đã đặt ra các tiêu chuẩn quốc phòng cho các nước NATO, do đó Mỹ là nhà cung cấp chính vũ khí và thiết bị quân sự cho các thành viên liên minh. Trên thực tế, yêu cầu của Trump tăng đóng góp cho ngân sách NATO chỉ là một mưu đồ tiếp thị.
Tất nhiên, châu Âu không hài lòng chút nào với điều này. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parley đã kêu gọi Mỹ ngừng áp đặt các sản phẩm quân sự của mình lên các quốc gia khác trong NATO.
"Không được để dưới sức ép của Washington Điều 5 của Hiệp ước NATO nói về sự đoàn kết biến thành Điều F-35 ép buộc chúng tôi phải mua vũ khí của Mỹ", bà Florence Parley nói trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Journal du Dimanche.
Dịch vụ ngày càng đắt đỏ
Ngoài ra, Mỹ có được tiền nhờ các căn cứ quân sự bố trí khắp thế giới. Và ở đây, Washington cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn.
Vào tháng 11, trong cuộc hội đàm với Hàn Quốc về hoạt động của các căn cứ quân sự Mỹ ở nước này, chính quyền Trump đã ra tuyên bố muốn Seoul tăng gấp 5 lần chi tiêu cho sự bảo vệ - từ 893 triệu USD / năm lên gần 5 tỷ.
Hơn nữa, nếu trước đây Mỹ đã xem xét lại mức chi tiêu một lần trong 5 năm, thì bây giờ họ tuyên bố sẽ tăng giá hàng năm. Nếu không, Mỹ sẽ giảm quân số khoảng 4.000 người tại Hàn Quốc (hiện có 26.500 lính Mỹ hiện diện ở nước này).
Phái đoàn Hàn Quốc đã bị sốc với đề xuất này và làm gián đoạn cuộc đàm phán. Tuy nhiên, các nhà quan sát chắc chắn: cuối cùng, Seoul sẽ chấp nhận tối hậu thư của Trump.
Năm 2021, Mỹ sẽ đàm phán với Nhật Bản về việc gia hạn thỏa thuận cho phép lính Mỹ đóng quân tại Nhật Bản, và Tokyo nên chuẩn bị tinh thần trả nhiều hơn.
Hiện tại, khoảng 55 nghìn lính Mỹ đòn trú ở Nhật Bản. Đất nước mặt trời mọc hàng năm trả khoảng 1,7 tỷ USD - chi phí duy trì các căn cứ quân sự của Mỹ.
Ngoài ra, Nhật Bản mua từ Mỹ các loại vũ khí, cho thuê bất động sản miễn phí cho quân nhân Mỹ, bảo đảm cho họ chế độ miễn thuế và các lợi thế khác. Tính tổng cộng - khoảng 2 tỷ USD.
Nhưng, Mỹ đã cảnh báo Tokyo rằng, sau khi thỏa thuận hiện tại về các căn cứ quân sự hết hạn vào tháng 3 năm 2021, các khoản chi phí sẽ tăng gấp bốn lần – lên đến 8 tỷ USD mỗi năm.
Mỹ đã bố trí các căn cứ quân sự ở khoảng 140 quốc gia. Tổng ngân sách của các căn cứ này trong năm tài khóa 2020, theo dữ liệu Bộ Quốc phòng Mỹ, là 24,4 tỷ USD (không bao gồm chi tiêu cho các hành động quân sự). Rõ ràng, Trump muốn tăng ngân sách này lên đến ít nhất 100 tỷ.
Vào tháng 3 năm nay, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã giải thích rằng, Washington muốn để tất cả các nước đồng minh có lực lượng quân sự Mỹ đồn trú, phải thanh toán cho Washington toàn bộ chi phí triển khai quân, cộng thêm khoản tiền hoa hồng 50% để bồi dưỡng cho việc được Mỹ bảo vệ về mặt quân sự.