Dân Việt

Lâm Hà: Tăng giá trị sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tại chỗ

Phạm Ly 07/12/2019 19:42 GMT+7
Với những điều kiện thuận lợi từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhiều đơn vị sản xuất tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã xây dựng được quy trình chế biến khép kín đến bước cuối cùng, giúp nâng cao giá trị sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Chủ động tìm hiểu OCOP

Trước khi nhận được đề xuất tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm tại địa phương, ông Phạm Văn Cường chủ DNTN sản xuất tơ lụa và dịch vụ du lịch Cường Hoàn đã tham gia nhiều hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP ở một số tỉnh phía Bắc. Sớm nhận ra giá trị mà chương trình này mang lại, ông Cường đã chủ động tìm hiểu các thủ tục để đưa “lụa tơ tằm” tham gia OCOP cấp huyện.

img

Anh Nguyễn Hữu Việt cho biết, nhiệt độ về đêm dưới 200C ở Lâm Hà thuận lợi cho việc phân hóa mầm hoa trên cây mác ca.

Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, ông Cường nhận thấy sản phẩm của doanh nghiệp có nhiều “điểm sáng” như sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ; là sản phẩm mang tính truyền thống kết hợp du lịch; có sự liên kết với các hộ nông dân tại địa phương và tranh thủ được nguồn lao động nhàn rỗi; hình thành chuỗi sản xuất sâu đến công đoạn cuối cùng; thương hiệu được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bảo hộ độc quyền… Đó là nền tảng giúp cho lụa tơ tằm có thể nâng cấp sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP.

Là một trong những người đầu tiên ở Lâm Đồng đưa hạt mác ca vào chế biến, Anh Nguyễn Hữu Việt – Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Huy Hiếu cũng cho biết, hiện đang là thời điểm cuối năm, thị trường tiêu thụ macca trở nên sôi động. Mặc dù xưởng chế biến của anh đang bước vào giai đoạn cao điểm nhằm cung ứng cho dịp tết Nguyên đán nhưng anh vẫn dành thời gian cho việc làm hồ sơ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm. Sau khi được đánh giá, chấm điểm, anh hi vọng sẽ được hỗ trợ đăng kí chỉ dẫn nguồn gốc để hoàn thiện sản phẩm hạt macca sấy “Vietnuts” của công ty. Hiện nay, công ty của anh Việt đang có thị trường ổn định trong chuỗi các siêu thị Coopmart tại TP. Hồ Chí Minh với giá bán từ 300 – 450 ngàn đồng/kg.

Đầu tư cho sản phẩm địa phương

Nói về công tác triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện ông Nguyễn Tiến Thành - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà cho biết: “Vừa qua, huyện Lâm Hà đã đăng ký 2 sản phẩm là Trà Olong của Công ty Long Đỉnh (xã Phúc Thọ) và cà phê bột Robusta của Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình (xã Gia Lâm) để có kế hoạch đưa và chương trình hỗ trợ của Trung ương.”

Cũng theo phòng nông nghiệp, hiện trên địa bàn huyện Lâm Hà có hơn 2.600 ha trồng dâu tằm, 1.100 ha mác ca… trong đó các diện tích chuyển đổi, trồng mới, tái canh, ghép cải tạo phù hợp với từng loại cây trồng. Đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các ngành sản xuất, chế biến tại huyện Lâm Hà.

Trước những lợi thế trên nhiều công ty, doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các hộ gia đình, cung cấp thông tin về nguồn giống, hỗ kỹ thuật… để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu đầu tiên. Chỉ riêng DNTN sản xuất tơ lụa và dịch vụ du lịch Cường Hoàn (thị trấn Nam Ban) đã đảm bảo đầu ra thường xuyên của kén tằm cho gần 1.000 hộ sản xuất.

Với sự chủ động, sáng tạo, một số cơ sở ở Lâm Hà đã sớm gắn sản xuất với loại hình kinh doanh du lịch và đang nghiên cứu thêm các dòng sản phẩm chế biến, gia công khác nhằm tăng giá trị chuỗi sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Không chỉ ở cơ sở, hiện huyện Lâm Hà nhiều chương trình, dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Sở NN&PTNT, UBND huyện, UBND các xã đang thực hiện. Đây đều là sự đầu tư bền vững, có lợi cho các sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP.