Dân Việt

Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ loay hoay vòng xoay nợ và hàng tồn kho

Nguyên Phương 08/12/2019 06:32 GMT+7
Nếu giá thép bình quân giảm 3% so với giá nguyên liệu đầu vào HRC giảm 6,5%, tỷ suất lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) dưới sự điều hành của ông Lê Phước Vũ có thể được phục hồi lên 12,8%, tương ứng mức lợi nhuận 453 tỷ đồng trong năm tài chính 2020.

img

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG).

Hoa Sen nhẹ gánh nợ nần, ông Lê Phước Vũ hướng tới mục tiêu mới

Năm tài chính 2019, dù kết quả lợi nhuận của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) dưới sự điều hành của ông Lê Phước Vũ và các cộng sự đã đảo chiều từ lỗ thành lãi nhờ các phương án như đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ để giải phóng hàng tồn kho, mang về dòng tiền cho doanh nghiệp, hay gia tăng tỷ trọng tôn mạ màu…

Song nhìn nhận một cách tổng quan, ông Lê Phước Vũ và các thành viên trong ban lãnh đạo Hoa Sen vẫn chưa thể hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đã được ĐHĐCĐ đưa ra. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận hơn 28.000 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 361 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 18,6% và 11,6% so với cùng kỳ 2018. Điều này đồng nghĩa Hoa Sen mới chỉ thực hiện 89% kế hoạch doanh thu, 72,3% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

img

Lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen trong 3 năm qua. 

Và ở thời điểm chuẩn bị bước sang năm 2020, SSI Research đã đưa ra dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) trong niên độ từ 1/10/2019 tới 30/9/2020 có thể tăng lần lượt 0,3% và 25% lên 28.000 tỷ đồng và 453 tỷ đồng.

Lý giải cho nhận định này, SSI Research cho biết, ước tính sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen sẽ tăng 3%, trong đó sản lượng xuất khẩu ước tính không thay đổi, còn sản lượng tiêu thụ trong nước ước tính tăng 5% nhờ thuế chống bán phá giá gần đây đối với tôn mạ màu.

“Chúng tôi ước tính giá thép bình quân giảm 3% so với giá nguyên liệu đầu vào HRC giảm 6,5%. Do đó, tỷ suất lợi nhuận có thể được phục hồi lên 12,8% trong năm tài chính 2020 từ 11,4% trong năm tài chính 2019”, SSI Research cho biết.

Để củng cố thêm cho nhận định của mình, đơn vị này cho rằng sản lượng tiêu thụ trong nước của Hoa Sen có xu hướng ổn định, đạt 241.000 tấn trong quý III vừa qua và chiếm 69% tổng sản lượng tiêu thụ trong quý. Dù kết quả này giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện đáng kể từ mức giảm 28% trong quý trước.

Một yếu tố khác giúp Hoa Sen đảo chiều lợi nhuận là việc gia tăng tỷ trọng tôn mạ màu, một dòng sản phẩm thường mang lại mức giá cũng như tỷ suất lợi nhuận cao nhất. Từ đó, gia tăng tỷ suất lợi nhuận chung của công ty.

Theo số liệu thống kê, sản lượng tiêu thụ của tôn mạ màu trong quý vừa qua của Hoa Sen tăng 32,6% so với cùng kỳ 2018, đạt 100 nghìn tấn, chiếm 29% sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp trong quý. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 18% trong quý III/2018. Đây là kết quả của việc áp dụng thuế chống bán phá giá mà Việt Nam áp cho tôn mạ màu có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hàn Quốc, giao động từ 3,45% đến 34,27%, có hiệu lực từ ngày 25/6/2019.

img

Nợ vay của Hoa Sen đang giảm dần theo thời gian.

Thêm vào đó, việc quản lý vốn lưu động được cải thiện tích cực đã giúp doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ nhẹ gánh nợ vay và lãi vay. Trong đó, tổng nợ vào quý cuối cùng trong niên độ 2019 đã giảm xuống còn 9.693 tỷ đồng từ 11.005 tỷ đồng ở quý trước đó. Điều này được thúc đẩy bởi nỗ lực của Hoa Sen trong việc giảm hàng tồn kho và các khoản phải thu còn 3.140 tỷ đồng trong 4 quý gần đây.

Vòng quay tiền mặt cũng giảm từ 82 ngày trong quý III/2018 xuống còn 60 ngày trong quý III/2019. Do đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) trong năm tài chính 2019 đạt 5.000 tỷ đồng so với 500 tỷ đồng trong năm tài chính 2018.

Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu vào cuối năm tài chính 2019 giảm xuống còn 1,7 lần từ 2,8 lần vào cuối năm tài chính 2018. Mức giảm trong tổng nợ cũng giúp chi phí lãi vay giảm 20%, xuống còn 186 tỷ đồng trong quý III/2019. Bình quân mỗi ngày trong quý, Hoa Sen chỉ còn gánh hơn 2 tỷ đồng lãi vay.

Thắng – thua nhờ bài toán “đầu cơ” hàng tồn kho

Nguyên liệu đầu vào của Tôn Hoa Sen chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC. Còn nhớ, cuối năm 2015, khi giá HRC giảm mạnh, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen tăng lên mức trên 16% so với mức 12,7% đầu năm.

Nhờ độ trễ trong việc nhập hàng tồn kho, sản xuất và xuất bán tôn thành phẩm nên trong chu kỳ giá HRC tăng trở lại, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen tiếp tục tăng mạnh lên 25%.

Song tới giai đoạn 2017-2018, khi giá HRC không tăng và giữ ở mức cao khiến lợi thế trong việc nhập trước hàng tồn kho không còn, biên lợi nhuận của Hoa Sen đã giảm mạnh về mức thấp kỷ lục trong 3 năm là 8%.

img

Diễn biến giá hép cuộn cán nóng HRC.

Song như đã trình bày phía trên, giai đoạn cuối năm 2018 - đầu năm 2019, khi giá HRC lại giảm tới 23%, Hoa Sen đã chủ động tăng nhanh tốc độ bán hàng, giảm mạnh tồn kho từ mức 9.800 đồng về 4.400 tỷ đồng, từ đó mang về dòng tiền cho doanh nghiệp. Số ngày tồn kho cũng giảm mạnh từ 141 ngày về hơn 67 ngày. Kết quả, biên lợi nhuận của Hoa Sen hồi phục từ mức 8,5% trong quý cuối của niên độ 2018 lên 13,1% trong quý cuối của niên độ 2019.

Đây là kết quả của sự thay đổi chiến lược từ Lê Phước Vũ và các cộng sự khi Hoa Sen đã chấp nhận mức giá bán thép và tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Nhưng kết quả là tình hình tài chính của doanh nghiệp đã hồi phục trong vài quý vừa qua. Hiện tại, Hoa Sen có thể tập trung ít hơn vào sản lượng tiêu thụ, trong khi chú trọng hơn cho việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận.

Về chính sách vĩ mô, trong tháng 7/2019, Mỹ đã quyết định áp mức thuế hơn 400% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Đài Loan hoặc Hàn Quốc.

Song như chính khẳng định của Hoa Sen và sau đó là các công ty chứng khoán, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại đối với doanh nghiệp do không sử dụng thép được sản xuất từ nguyên liệu thép cán nóng được nhập khẩu từ Đài Loan hoặc Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ

Trong tương lai gần, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ có thể mua HRC sản xuất từ Formosa Việt Nam, một công ty có vốn đầu tư FDI của Đài Loan đặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Sen sẽ cần thời gian để chuẩn bị hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ để nộp cho các cơ quan liên quan ở Mỹ để được miễn trừ loại thuế này.