Gần như cả châu Âu đã nằm dưới sự kiểm soát của phát xít Đức sau khi Pháp thất thủ (ảnh minh họa)
Tháng 6.1940, Đức đã chiếm được thủ đô Paris của Pháp. Liên quân Anh – Pháp bị đánh cho đại bại và mắc kẹt tại cảng biển Dunkirk. Churchill đã tổ chức một cuộc di tản thần kỳ, cứu thoát gần nửa triệu binh sĩ đang tuyệt vọng trước mưa bom của quân phát xít.
Những tưởng sau thành công này, Anh và Pháp sẽ chung lưng đấu cật trong cuộc chiến. Nhưng không, một bộ phận người Pháp lúc này đã quá khiếp hãi trước sức mạnh áp đảo của Đức. Họ không có niềm tin rằng, một nước Anh đơn độc có thể kháng cự lại gần như cả châu Âu (trừ Nga), lúc này đều đã ngả về phe phát xít.
Chính phủ Pháp thân Đức của Vichy được thành lập và phục vụ cho phát xít. Tại Pháp, chỉ còn một khu vực nhỏ chưa bị chiếm đóng, gọi là “vùng tự do”, là vẫn ủng hộ Anh.
Pháp đã quay lưng với Anh, vốn là đồng minh của thân thiết mới vài tháng trước. Tuy nhiên, không có lời tuyên chiến chính thức nào được đưa ra giữa hai nước.
Theo cuốn “Thủ tướng Anh Winston Churchill, cuộc đời và sự nghiệp”, những hạm đội Pháp có nguy cơ bị Đức sử dụng, luôn là mối nguy lớn nhất đối với nước Anh.
Điều 8 trong thỏa ước đình chiến giữa Pháp với Đức nêu rõ, ngoại trừ một vài tàu được lưu lại để bảo vệ quyền lợi của Pháp, phần lớn tàu chiến sẽ được tập trung tại các cảng, tháo hết vũ khí, không được dùng trong chiến đấu. Tất cả nằm dưới quyền kiểm soát của Đức và Ý.
Churchill vô cùng lo ngại về vấn đề này. Trong cuốn hồi ký, ông viết:
“Điều rõ ràng là tất cả những tàu chiến của Pháp sẽ phải trải qua sự kiểm soát của Đức trong khi đã được trang bị đầy đủ. Điều mục của ký kết đình chiến, đã khẳng định rằng Đức sẽ không sử dụng những chiến hạm này cho mục đích riêng. Nhưng chúng ta có thể đặt bao nhiêu tin tưởng vào những lời nói của tên Hitler?”
Churchill đã lãnh đạo nước Anh trong cuộc chiến đơn độc với phát xít Đức (ảnh minh họa)
Churchill đã gửi thông điệp của mình tới phía chính phủ Phảp, bằng mọi giá, các tàu chiến của Pháp nên nằm dưới quyền kiểm soát của nước Anh, càng nhiều càng tốt. Nếu không muốn những chiếc tàu này bị chìm nghỉm.
Những nỗ lực của Churchill đã được đền đáp. Hai tàu chiến, 4 tàu tuần tra, 8 tàu mang vũ khí hạng nặng và hơn 200 tàu lớn nhỏ Pháp đã được đưa về neo đậu tại các cảng biển Anh. Quân Anh chỉ gặp một chút kháng cự nhỏ, khi kiểm soát những tàu chiến này.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 7.1940, đã có những thông tin mật được gửi về cho Churchill, rằng hạm đội hải quân mạnh nhất của Pháp, có thể bị Hitler trưng dụng để phục vụ chiến tranh.
Hạm đội này bao gồm 2 tàu chiến cỡ lớn, 1 tàu sân bay, 5 tàu tuần tra chiến đấu, các tàu chiến cỡ nhỏ và cả tàu ngầm. Đây thực sự là một tin sét đánh đối với nước Anh.
Churchill nhận định, số phận của hạm đội này có ý nghĩa như bản lề của cán cân lực lượng hải quân thế giới. Nếu nó rơi vào tay Đức hay Ý, thì Địa Trung Hải sẽ trở thành cái “ao làng” của quân phát xít và chủ quyền của Anh trên Đại Tây Dương sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Hạm đội hùng hậu của Pháp bị nước Đức sử dụng để chống lại Anh (ảnh minh họa)
Churchill đã ra lệnh cho hai Đô đốc hải quân là Somerville và Cunningham, đón đầu hạm đội Pháp và đưa cho họ bốn sự lựa chọn:
1. Tiếp tục chiến đấu chống lại kẻ thù (phát xít Đức).
2. Di chuyển toàn bộ sang các cảng nước Anh, nơi các tàu chiến có thể lưu trú và tất cả thủy đoàn phải trở về Pháp.
3. Cho tất cả tàu chiến đến vùng phía tây Ấn Độ, nơi các tàu thuyền sẽ được phi quân sự hóa và giao cho nước Mỹ trông coi.
4. Bỏ chạy hoặc nếu không có bất kỳ sự lựa chọn nào, những chiếc tàu đó sẽ bị hải quân Anh phá hủy.
Trong bức điện của mình gửi cho các Đô đốc, Churchill nói:
“Các ông đang thực hiện một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất mà một tướng Anh từng phải đối mặt. Nhưng chúng tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào các ông và mong rằng các ông có thể thực hiện nhiệm vụ này với một thái độ dứt khoát.”
Theo History, ngày 3.7.1940, hai hạm đội của Anh và Pháp đã gặp nhau. Đô đốc Somerville nỗ lực thương thuyết với chỉ huy trưởng của Pháp nhằm tìm kiếm một giải pháp hợp lý, nhưng không thành công.
6 giờ chiều cùng ngày, Đô đốc Somerville nhận được tín hiệu của Bộ hải quân Anh. Churchill yêu cầu các Đô đốc Anh phải dàn xếp ổn thỏa vấn đề hoặc khai hỏa và nhấn chìm tất cả tàu chiến Pháp, thực hiện trước khi trời tối.
Tuy nhiên, cuộc chiến đã xảy ra trước đó, hải quân với sự hỗ trợ của cả không quân Anh, đã thành công hết sức nhẹ nhàng. Hầu hết hạm đội Pháp bị tiêu diệt, chỉ còn lại 5 chiếc tàu được đưa về Anh, 1.299 thủy thủ Pháp thiệt mạng và 350 người khác bị thương.
Cuộc giao chiến đẫm máu này đã để lại một vết thương khó lành trong quan hệ Anh – Pháp những năm sau đó. Hải quân Pháp đã trở thành một phế nhân không thể phục hồi trong suốt thời gian còn lại của Thế chiến II.
Churchill đã ra lệnh tiêu diệt toàn bộ hạm đội Pháp (ảnh minh họa)
Ngày 4.7.1940, Churchill triệu tập một cuộc họp bí mật tại Hạ viện để thông báo về tình hình cuộc chiến. Trong hồi ký của mình, ông viết:
“Các thành viên ở Hạ viện đều im lặng lắng nghe trong khi tôi tường thuật lại câu chuyện. Nhưng cuối cùng, đã xảy ra một cảnh chưa từng xảy ra trước đây. Mọi người đều đứng dậy, vỗ tay không ngớt trong một khoảng thời gian rất dài.”
Sự quyết đoán khi ra lệnh tiêu diệt cả hạm đội Pháp đã thể hiện sự can đảm của Churchill trong bối cảnh dường như cả châu Âu đều chống lại nước Anh. Tuy nhiên, với ông, hành động đó mang tính tàn bạo hơn là vẻ vang.
Churchill đã mô tả tác động của quyết định táo bạo nói trên đối với tình hình thế giới lúc bấy giờ, đặc biệt là với nước Mỹ, bằng câu nói:
“Một vòng quay chính trị ở Mỹ (để quyết định có nên tham chiến với Anh hay không) và từ đó về sau, sẽ không bao giờ còn có một cuộc nói chuyện nào về việc nước Anh đã tạo ra sự kiện đó.”
Không có ưu thế về hải quân lại không thể lợi dụng các hạm đội của quân Pháp, Hitler buộc phải sử dụng không quân để tấn công nước Anh và sau đó hứng chịu thất bại. Dưới sự lãnh đạo kiên cường và quyết đoán của Churchill, nước Anh đã vững vàng bước qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến và dần đi đến thắng lợi cuối cùng.
_____________
Nổi tiếng là vị cứu tinh của châu Âu, nhưng ở ngoài đời, Wiston Churchill còn được biết tới với biệt danh khác - "chúa Chổm Churchill". Cùng tìm hiểu về những góc khuất đặc biệt đen tối trong con người của vị Thủ tướng vĩ đại nhất lịch sử nước Anh, ở bài kỳ sau.
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất của cuộc Thế chiến II, Churchill đã can đảm đứng ra gánh vác vận mệnh của nước Anh và...