Nghị quyết HĐQT Cong ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (HoSE: VNM) của bà Mai Kiều Liên vừa công bố thông tin về việc mua thêm cổ phiếu GTN để nâng tỷ lệ sở hữu tại GTNfoods.
Theo đó, HĐQT Vinamilk thông qua việc mua thêm cổ phiếu GTN của GTNfoods (HoSE: GTN) để đạt tỷ lệ 75% vốn.
Được biết, trong báo cáo giao dịch gần nhất, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM) của bà Mai Kiều Liên đã nâng sở hữu tại GTNFoods - công ty mẹ của Sữa Mộc Châu lên 43,17%. Theo tính toán, số tiền mà ông lớn ngành sữa đã chi ra cho số cổ phiếu này trên 1.600 tỷ đồng, ứng khối lượng cổ phiếu 107,9 triệu đơn vị.
Động thái nâng sở hữu tại GTNFoods của Vinamilk diễn ra khi nhiều cổ đông lớn của GTNfoods đã thoái vốn tại công ty này. Trong đó, CTCP Invest Tây Đại Dương bán tổng cộng hơn 36 triệu cổ phiếu GTN, giảm tỷ lệ từ 18% còn 14% vốn. Trong khi đó, tại Vinamilk, sự tăng trưởng và lợi nhuận biên của “ông lớn” ngành sữa đang chậm lại trong mấy năm qua.
Quay trở lại với thương vụ hợp tác giữa Vinamilk và GTNFoods, nói về thương vụ hợp tác giữa 2 bên, tại ĐHĐCĐ thường niên Vinamilk hồi tháng 4, nữ tướng Mai Kiều Liên cho biết muốn tham gia vào GTN để cùng mạnh lên trên cơ sở tôn trọng đối tác và cân bằng lợi ích. Theo bà Liên, GTNFoods hoạt động trong mảng nông nghiệp, có thương hiệu về sữa và trà. Nếu GTNFoods cứ phát triển nhỏ thì khó cạnh tranh phát triển. Vì vậy, muốn giữ thương hiệu Việt thì hai bên phải đoàn kết lại, trở thành bó đũa lớn.
Còn theo nhận định của một công ty chứng khoán, GTNFoods - công ty mẹ của Sữa Mộc Châu có thể là lời giải cho bài toán tăng trưởng doanh thu và thị phần của Vinamilk đang chậm hơn dự báo. Việc tăng sở hữu lên 75% tại GTNFoods càng khẳng định rằng, Vinamilk quyết tâm “thâu tóm” công ty sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu.
Nếu Vinamilk của bà Mai Kiều Liên “thâu tóm” thành công Sữa Mộc Châu sẽ là một trong tiền đề quan trọng hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Sữa Mộc Châu hiện đang chiếm khoảng 9% thị phần. Con số này nếu căn cứ trên mục tiêu tăng trưởng hàng năm thì cần 9 năm để Vinamilk đạt được. Bên cạnh đó, dù việc kết hợp hậu M&A còn là bài toán của tương lai, song cũng là giải pháp gia tăng hệ sinh thái sản phẩm, mở rộng thị trường.
Song, ở một thương vụ M&A (thâu tóm và sáp nhập), công việc khó khăn nhất là ở phần sau, khi Vinamilk tiến hành tái cơ cấu lại Mộc Châu Milk nhằm tạo ra giá trị cộng hưởng và mang lại lợi ích về kinh tế. Quá trình này sẽ đòi hỏi tiêu tốn không ít thời gian và nguồn lực của Vinamilk. Ở góc độ nhà đầu tư, việc chờ đợi sự tăng trưởng của Vinamilk cũng theo đó mà cần ít nhiều sự kiên nhẫn.
Hiện tại, sau thông tin Vinamilk muốn mua cổ phần công ty sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu, Vinatea..., giá cổ phiếu GTN đã tăng từ 11.300 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp, tức tăng 77% trong chưa đầy một tháng. Hiện tại, cổ phiếu này vẫn giữ được vùng giá 21.500 đồng/cp.
Giá cổ phiếu VNM của Vinamilk sau khi lên đỉnh vào tháng 2 với giá 151.600 đồng/cp, đã liên tiếp điều chỉnh và lùi về 116.300 đồng/cp (chốt phiên 6/12). Riêng trong phiên giao dịch ngày 2/12 – khi Vinamilk dính tin đồn về “nhập nhèm” nguyên liệu sữa, thị giá cổ phiếu này đã bay mất hơn 3.000 đồng/cp trong 1 phiên. Cùng ngày, vốn hóa Vinamilk cũng bốc hơi hơn 5.500 tỷ đồng.