Hơn 136.000 lượt hộ được vay vốn làm ăn
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới nằm phía Đông Bắc Tổ quốc, toàn tỉnh có 226 xã phường, thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 84% dân số, bà con lại sinh sống chủ yếu ở vùng đồi núi cao, vùng sâu có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn do xa trung tâm huyện, tỉnh, khiến đời sống các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ dân ở Lạng Sơn đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định và khấm khá. Ảnh: Liễu Chang
Cả nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo thì nguyên nhân cơ bản và chủ yếu được xác định là do người dân thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn, trong đó, vốn là điều kiện tiên quyết, là động lực đầu tiên giúp hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo. Chính vì thế, thời gian qua tỉnh Lạng Sơn đã tích cực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… tín chấp cho bà con vay vốn hiệu quả.
Theo đó, nguồn vốn chính sách của NHCSXH đã được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh Lạng Sơn, tập trung ưu tiên cho vay đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Tổng nguồn vốn thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn hiện đạt 4.451 tỷ đồng với hơn 136.000 lượt hộ được vay vốn.
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nguồn vốn cho vay của đơn vị đã góp phần tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là giúp bà con phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Trong 5 năm qua (từ 2014 – 2019), toàn tỉnh đã có trên 160.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Trong đó, có 58.541 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất”, ông Sơn nói.
Cụ thể, nguồn vốn vay chính sách trên đã giúp cho hơn 30.000 hộ thoát nghèo; giải quyết, tạo việc làm cho trên 9.000 lao động; giúp gần 6.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Bên cạnh đó, nguồn vốn trên còn triển khai xây dựng hơn 60.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp 2.243 hộ nghèo được hỗ trợ vay ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lạng Sơn đã giảm từ 25,95% cuối năm 2015 xuống ước còn khoảng10,5% vào cuối năm 2019.
Vốn ưu đãi “sản sinh” nhiều tỉ phú, triệu phú
Là 1 trong những hộ gia đình được vay vốn ưu đãi của NHCSXH để đầu tư mô hình trồng cây quýt vàng, ông Đặng Văn Lương, thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã thoát nghèo. Không những thế, ông Lương còn trở thảnh tỉ phú của địa phương khi mỗi năm gia đình ông thu về hàng tỉ đồng từ cây quýt và chăn nuôi trâu bò vỗ béo.
Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018 – ông Đặng Văn Lương với thu nhập hàng tỉ đồng từ trồng quýt và chăn nuôi. Ảnh: Liễu Chang
Nhìn vào thành quả của gia đình ông, nhiều hộ dân trong thôn Hồng Phong 4 đã vay vốn, mạnh dạn chuyển đổi mô hình cây trồng, tập trung vào trồng quýt vàng đặc sản và dần tạo thành vùng trồng quýt chủ lực của huyện Bắc Sơn.
Đặc biệt, ông Đặng Văn Lương đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 gương nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018. Ông là nhân chứng cụ thể về câu chuyện vươn lên thoát nghèo từ việc mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, phát huy giá trị đặc sản của địa phương.
Theo NHCSXH Chi nhánh Lạng Sơn, hiện ngân hàng đang triển khai 15 chương trình tín dụng với tổng dư nợ 2.886 tỉ đồng; có 69.742 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 2.481 tỉ đồng (chiếm 88% tổng dư nợ). Tỉ lệ thu lãi đạt 99%. Nợ quá hạn hơn 2,5 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 0,99% tổng dư nợ.
Vốn cho vay đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư chăn nuôi trên 35.000 con gia súc, trên 2 triệu con gia cầm, trồng và chăm sóc hơn 38.000ha rừng cây lấy gỗ, cây công nghiệp, gần 62.000 cây ăn quả, mua sắm vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh buôn bán, phát triển ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
“Bên cạnh đó, tín dụng chính sách còn huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, bộ mặt nông thôn được cải thiện…, qua đó tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”, ông Sơn đánh giá.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.