Dân Việt

Trồng cà chua an toàn sinh học, giá bán cao gấp 15 lần

Văn Long 18/12/2019 05:31 GMT+7
Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đang triển khai thí điểm xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng cà chua theo hướng an toàn sinh học tại TP.Đà Lạt. Bước đầu, mô hình cho thấy tín hiệu đạt hiệu quả cao.

Giá cao gấp 15 lần

Văn phòng Phát triển bền vững (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam - NDVN) và Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng lựa chọn HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến để phối hợp thực hiện dự án “Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây cà chua theo hướng an toàn sinh học tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”.

Mô hình điểm này giao cho 8 thành viên HTX thực hiện, các hộ tham gia được hỗ trợ giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, sử dụng chế phẩm vi sinh, hướng dẫn canh tác cây cà chua theo hướng hữu cơ, an toàn.

img

  Ông Dương Ngọc Tuân cho biết, trồng cà chua theo hướng an toàn sẽ bán được với giá cao hơn.  Ảnh: V.L

"Trong năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ những hộ dân muốn đầu tư để trồng cà chua công nghệ cao theo hướng an toàn sinh học. Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, HTX để tìm những đầu ra ổn định hơn, giúp người dân yên tâm sản xuất”.

Bà Trần Thị Oanh

Dẫn phóng viên đi thăm khu vườn trồng cà chua, ông Dương Ngọc Tuân (tổ Tây Hồ, phường 11, TP.Đà Lạt) giới thiệu về những cây cà chua mới trồng của gia đình mình. Ông Tuân cho biết, ông cũng là một thành viên của HTX Tân Tiến, tiên phong trồng cà chua sạch, an toàn để cung cấp cho các siêu thị như Co.opmart hay Metro với giá cao, ổn định.

“Gia đình tôi trồng 4.000m2 cà chua theo hướng an toàn sinh học, được HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến tập huấn về kỹ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, hướng dẫn canh tác. Đặc biệt, chúng tôi được HTX bao tiêu đầu ra cho sản phẩm cà chua. Hiện nay, cà chua sạch trong vườn của tôi được thu mua với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cao hơn gấp 15 lần so với cà chua trồng ngoài trời ở các huyện lân cận. Như chúng tôi canh tác, giống sẽ được mua từ một công ty nhập trực tiếp từ nước ngoài về, chăm sóc đúng kỹ thuật nên vỏ cà chua rất dày, ít hạt và nước, vì vậy bảo quản được lâu. Đặc biệt là sản phẩm cà chua sạch, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng” - ông Tuân chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Tuân, đầu tư ban đầu cho việc trồng cà chua theo hướng an toàn sinh học cũng rất cao. Với 1.000m2, các hộ dân trồng được khoảng 4.000 cây (3.000 đồng/cây) thì cần chi khoảng 12 triệu đồng tiền giống. Ngoài ra, việc trồng cà chua áp dụng công nghệ cao sẽ mất thêm chi phí làm nhà kính từ 120 - 180 triệu đồng/1.000m2 và đầu tư hệ thống tưới tiêu như nhỏ giọt, phun sương tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Chính vì vậy, để bán được cà chua giá cao ra ngoài thị trường thì người dân phải đầu tư một số vốn lớn là điều tất yếu.

Cũng là một hộ trồng cà chua như ông Tuân, chị Võ Thị Nguyệt Thu (36 tuổi) cho hay, việc canh tác theo hướng an toàn sinh học khá khó và phải đảm bảo yêu cầu khắt khe, đặc biệt là từ hệ thống siêu thị.

“Khi trồng cà chua đã có thu hoạch, trung bình 1 tuần sẽ có nhân viên của siêu thị đến để kiểm tra nông sản. Tuy nhiên họ đến không báo trước, có thế 1 tuần, nhưng cũng có thể 2 - 3 ngày là họ lại đến. Việc kiểm tra sẽ được lấy mẫu rồi dùng giấy quỳ hoặc mang mẫu đi phân tích sau đó trả kết quả. Nếu mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đạt hay các chỉ số vượt ngưỡng cho phép, siêu thị  sẽ không lấy hàng” - chị Thu cho hay.

Người dân còn ngại

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Mai Văn Khẩn -Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến cho biết, hiện số người tham gia dự án còn hạn chế và quy mô nhỏ do các hộ dân vẫn chưa tin tưởng, chưa dám bỏ một số tiền lớn ra để đầu tư trồng cà chua theo hướng công nghệ cao. Bên cạnh đó, theo ông Khẩn, hiện nay việc siêu thị thu mua số lượng khác nhau vào từng thời điểm nên cũng khó cho người dân, nếu canh tác chỉ để đi hàng chợ thì giá lại thấp hơn, chỉ khoảng từ 18.000 - 20.000 đồng/kg.

Bà Trần Thị Oanh - Chánh văn phòng Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Dự án được Hội Nông dân triển khai nhằm tăng thu nhập cho người dân thông qua việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, dự án hướng tới nâng cao ý thức của người dân trong việc canh tác rau, củ, quả tại địa phương, không nên quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó đảm bảo được sức khỏe cho chính người sản xuất và người tiêu dùng”.

Bà Oanh cũng cho biết, Hội Nông dân trực tiếp đầu tư cho người dân phường 11 và một số hộ nằm trong HTX Tân Tiến thực hiện. Đến nay, Hội Nông dân đã đầu tư khoảng 275 triệu đồng cho các hộ nông dân tham gia dự án, với gần 10ha.