Thực hiện mô hình hiệu quả
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo bền vững, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Tân Hiệp đã thực hiện khảo sát, phân loại các đối tượng hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Từ đó, phân công trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với từng địa chỉ hộ nghèo để hướng dẫn, trợ giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Để người nghèo nhận thức được họ là chủ thể của công tác giảm nghèo, các cấp, các ngành huyện Tân Hiệp đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Bà Kim Thị Lãnh bên đàn vịt được hỗ trợ chuẩn bị đến kỳ xuất bán. Ảnh: NQ.
Cụ thể, từ năm 2013-2107, huyện Tân Hiệp tăng cường chính sách, huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các hộ nghèo khát khao, chí thú làm ăn để mua phương tiện sản xuất, cây trồng, con giống… với nguồn vốn thực hiện gần 2,6 tỉ đồng. Qua triển khai thực hiện, có 72 mô hình làm ăn có hiệu quả, trong đó có 48 mô hình được nhân rộng.
Đến thăm những gia đình đã từng được huyện Tân Hiệp hỗ trợ cây con giống để sản xuất, chúng tôi nhận thấy rõ niềm phấn khởi, mừng vui của bà con nghèo vì hầu hết vật nuôi đều khỏe mạnh và sắp mang lại hiệu quả kinh tế.
Là một trong 99 hộ nghèo được Quỹ Thiện tâm Tập đoàn Vingroup hỗ trợ vào cuối năm 2017, anh Nguyễn Văn Ngà (ngụ ấp Đập Đá, xã Tân Hội), cho biết: “Nhà tôi không ruộng đất, thu nhập của gia đình có được là dựa vào việc làm thuê làm mướn, ai thuê gì làm nấy. Mấy năm nay vợ tôi lại hay đau ốm nên chỉ có mình tôi đi làm, chi tiêu vì thế rất khó khăn. Giờ gia đình tôi được hỗ trợ bò giống khỏe mạnh, hy vọng sớm sinh được con bê để có “cần câu cơm” và bàn giao bò giống cho hộ nghèo khác cùng hưởng”.
Tương tự, hộ bà Kim Thị Lãnh (ngụ ấp Thạnh Trúc, xã Thạnh Trị) là hộ nghèo của xã đã nhiều năm. Chồng bà Lãnh mất cách đây 2 năm do bệnh nặng không tiền chữa trị, các con bà đứa ra ở riêng, đứa đi làm thuê xa. Cuối năm 2018, bà Lãnh được Hội Nông dân huyện Tân Hiệp hỗ trợ đàn vịt 90 con cùng chi phí làm chuồng, thức ăn cho đến ngày xuất bán.
Bà Lãnh vui vẻ chia sẻ: “Sau 2 tháng nuôi, đàn vịt của tôi giờ đã đạt trọng lượng hơn 2,5kg/con. Đã có người đến hỏi mua cả bầy với giá 44.000 đồng/kg, tôi dự định bán xong sẽ tiếp tục mua vịt giống về nuôi, phát triển kinh tế gia đình”.
Tạo việc làm cho lao động
Bên cạnh giải pháp “trao cần câu”, giúp hộ nghèo dần vươn lên trong cuộc sống, các hộ nghèo, cận nghèo huyện Tân Hiệp còn được tạo điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, nhà ở, y tế, việc làm…
Theo đó, huyện đã tạo việc làm cho hơn 13.800 lao động trong nước và xuất khẩu, hơn 7.200 lượt hộ nghèo được hỗ trợ điện sinh hoạt, 817 người có công, hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ - thuật, hơn 31.000 hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn theo 12 chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng hưởng chính sách giảm nghèo của huyện, với doanh số đạt 219,6 tỉ đồng.
Anh Nguyễn Văn Ngà đang cho bò ăn. Ảnh: NQ.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, huyện đã có 439 dự án hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ vay 9 tỉ đồng…
Song song với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, huyện Tân Hiệp cũng triển khai mạnh mẽ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, huyện đã huy động hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế…
Nhiều mô hình sản xuất đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, với trên 70% hộ nông dân trồng lúa của huyện tham gia cánh đồng lớn trên diện tích hơn 3.000ha; trên 200 mô hình chăm sóc cây ăn trái, rau màu trên đất vườn, cải tạo phát triển nạc hoá đàn lợn, nuôi gà công nghiệp, phát triển đàn vịt, nuôi trồng thuỷ sản… đã được triển khai. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất đa canh, theo hướng trang trại tổng hợp đã phát huy hiệu quả, cho giá trị thu nhập từ 150 triệu đồng đến 700-800 triệu đồng/ha/năm.
Trong giai đoạn 2018-2020, huyện Tân Hiệp đề ra mục tiêu mỗi năm giảm hộ nghèo, cận nghèo từ 1-1,5%. Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, theo ông Trương Văn Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tân Hiệp, giải pháp của huyện là xây dựng cơ chế kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm. Song song đó, là nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cho thị trường.
“Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất với từng hộ đăng ký thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, phù hợp với kế hoạch chyển đổi cơ cấu cấy trồng, vật nuôi theo quy hoạch của huyện” - ông Hoàng thông tin.
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và cộng đồng cùng chung tay thực hiện hỗ trợ giúp người dân giảm nghèo bền vững, tỉ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của huyện Tân Hiệp hiện giảm còn 4,7%. Tính cả giai đoạn 2013-2017, huyện Tân Hiệp đã giúp 2.224 hộ thoát nghèo.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.