Dân Việt

Thái Nguyên: 12 năm nuôi thỏ New Zealand to bự, năm nào cũng lãi

Hà Thanh 11/12/2019 06:37 GMT+7
Ở tuổi 73, nhưng với niềm đam mê, sự kiên trì, ông Đỗ Đình Phan (xóm Tiền Phong, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã phát triển mô hình nuôi thỏ trắng New Zealand với quy mô lớn, mỗi năm thu về khoảng 300 triệu đồng.

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Đỗ Đình Phan vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Ngày ngày, ông đều ra khu chuồng trại nuôi thỏ, chăm sóc cho đàn thỏ từng bữa ăn, giấc ngủ giống như những đứa con.

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Phan cho biết, trước đây ông từng phát triển mô hình nuôi chim bồ câu. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy rằng hiệu quả kinh tế không cao, bồ câu vẫn ăn nhiều cám, thóc lúa, hơn nữa quỹ thời gian và số lượng nhân công chăm sóc nhiều nên ông đã từ bỏ và quyết định chuyển sang mô hình nuôi thỏ.

img

Ông Phan giới thiệu cho PV về các đặc tính của thỏ trắng New Zealand.

Ông Phan cho biết, trước khi chuyển sang mô hình nuôi thỏ New Zealand, ông tương đối lo lắng và đắn đo. Sau vài lần tham quan trại thỏ ở Sơn Tây, ông quyết định mạo hiểm mua giống về nuôi thử nghiệm. 

"Do đây là mô hình nuôi thỏ New Zealand đầu tiên ở địa phương nên tôi phải tự tìm tòi, nghiên cứu và vận dụng nhiều cách chăm sóc học hỏi từ những mô hình nuôi thỏ khác nhau. Dần dần mô hình nuôi thỏ của tôi đã phát triển ổn định và mang về những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên lúc này, đàn thỏ đột nhiên mắc bệnh tiêu chảy. Tôi lại tiếp tục tự mình tìm tòi cách khắc phục cùng với vốn kinh nghiệm sẵn có về thú y, cuối cùng căn bệnh tiêu chảy của thỏ cũng được khắc phục", ông Phan nói. 

img

So với thỏ ta, thỏ New Zealand có vóc dáng to, nhưng không chịu được sự thay đổi đột ngột của thời tiết.

img

Theo ông Phan, điều quan trọng nhất cần phải chú ý trong quá trình chăm sóc thỏ là chuồng trại phải thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ, ông Phan cho hay, điều quan trọng nhất cần phải chú ý trong quá trình chăm sóc thỏ là chuồng trại phải thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Thỏ là loài động vật không thích hợp với bất cứ loại kháng sinh nào nên việc phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu.

Do đó để đảm bảo cho thỏ sinh trưởng và phát triển tốt, chuồng trại phải được làm cao ráo, mùa hè thì thoáng mát còn mùa đông thì phải ấm áp. Thông thường, nhiệt độ thích hợp nhất đối với thỏ là từ 30 – 32oC.

Ngoài ra, thỏ có đặc tính phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết nên không chịu được thời tiết thay đổi thất thường. Thỏ có thể bị bệnh, chết nếu thời tiết đột ngột thay đổi. Để khắc phục tình trạng này, ông Phan đã nghĩ đến việc trồng một loại dây leo xung quanh khu vực chuồng trại để tạo sự thoáng mát và giữ nhiệt độ ổn định cho thỏ. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí, lại có thể giảm bớt nắng nóng vào mùa hè cũng như giữ ấm cho thỏ vào mùa đông.

Thời gian từ lúc thỏ con sinh ra đến khi trưởng thành và có thể sinh sản khoảng từ 3 tháng – 3 tháng 20 ngày. Đến thời kỳ sinh sản, thỏ cái sẽ được đưa đến chuồng của thỏ đực để ghép và phối giống. Thường thì một con thỏ đực sẽ được ghép với 5 con thỏ cái. Sau 1 tháng mang thai, thỏ mẹ sẽ đẻ con, mỗi lứa thường từ 7 – 8 con, nhưng cũng có thể ít hoặc nhiều hơn. Do đó, trung bình mỗi năm một thỏ cái có thể đẻ khoảng 40 thỏ con.

img

Hiện nay, gia đình ông Phan đang nuôi khoảng 150 con thỏ cái và 400 con thỏ thịt.

Hiện nay, ngoài 350m2 chuồng trại đang sử dụng cho 150 con thỏ cái sinh sản và 400 con thỏ thịt, gia đình ông đang Phan xây dựng thêm một trang trại có diện tích tương đương để nuôi thêm thỏ với chi phí khoảng 300 triệu đồng. Theo ông Phan, với hệ thống chuồng trại chăn nuôi mới xây dựng, ông sẽ tiếp tục nuôi thêm 400 con thỏ mẹ và 300 con thỏ thịt.

Ngoài ra, theo ông Phan, hệ thống chuồng trại mới đang xây sẽ được vận hành theo cơ chế tự động từ khâu cho ăn đến uống nước. Đối với thỏ, nguồn thức ăn chính vẫn là cám chuyên dụng được chế biến từ các loại hạt có nguồn gốc thực vật như gạo, ngô, đỗ tương…Toàn bộ lượng chất thải do thỏ thải ra sẽ được xử lý bằng công nghệ biogas nên đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường. 

img

Ông Phan đang mở rộng thêm quy mô chuồng trại mới hiện đại có thể nuôi được 400 thỏ mẹ và 300 thỏ thịt.

Ông Phan còn cho biết: "Nuôi thỏ New Zeland tương đối nhàn nên không mất quá nhiều nhân công mà vẫn đảm bảo thu nhập. Trong gia đình, tôi là người chăm sóc chính cho thỏ, còn vợ tôi chỉ phụ giúp thêm."

Đến nay sau 12 năm mạnh dạn đầu tư, mô hình thỏ của ông Đỗ Đình Phan đã mang lại hiệu quả và cho thu nhập tương đối ổn định. Theo ông Phan, một con thỏ cái mỗi năm cho lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng. Như vậy chỉ với việc nuôi thỏ, sau khi đã trừ các loại chi phí, vợ chồng ông Phan mỗi năm đã có thể thu lãi khoảng 300 triệu đồng.