SEA Games 30, Việt Nam lập kỳ tích khi đoạt 2 tấm huy chương vàng bóng đá cả đội nam và nữ. Nhưng có ở Philippines những ngày này, sống trong hơi thở SEA Games thực sự, mới thấy được rằng SEA Games không chỉ có bóng đá, mà còn có những điều thú vị, sâu sắc và nhân văn không kém môn thể thao vua mà chúng ta chưa có dịp cảm nhận được hết.
U22 Việt Nam giành HCV bóng đá nam SEA Games 30.
Lần đầu tiên nội dung đơn nam môn quần vợt SEA Games, chưa thi đấu chung kết chúng ta đã biết chắc cả huy chương vàng và huy chương bạc đều thuộc về Việt Nam, khi Lý Hoàng Nam đấu với Cao Nguyễn. Xem hết cả trận đấu đó, tôi cũng như nhiều người hâm mộ quần vợt thích cách Lý Hoàng Nam giành chiến thắng. Nhưng lại yêu Cao Nguyễn về sự chuyên nghiệp, và cách anh thể hiện khát vọng về ý thức dân tộc, nguồn gốc nòi giống Lạc Hồng bằng việc từ Mỹ về đất mẹ Việt khoác lên mình màu áo của đội tuyển quần vợt lần đầu tham dự SEA Games. Cao Nguyễn đi thẳng đến trận chung kết và đoạt huy chương bạc. Nhìn lúc anh đứng trên bục tôn vinh vô cùng xúc động, khoác tấm quốc kỳ trên vai mà đẹp đẽ biết nhường nào. Tôi gọi khoảnh khắc đó là “người về nhì lấp lánh” với Cao Nguyễn. Sẽ còn nhiều SEA Games khác, nhiều giải đấu khác để anh hiện thực hoá giấc mơ của mình.
Câu chuyện cảm động khác về cô bé Nguyễn Thị Oanh người Bắc Giang. Oanh đã giành 3 huy chương vàng ở các cự li chạy khác nhau, khi về đích em kiệt sức gục xuống, phải dùng tới cứu thương mới đứng trên bục nhận giải được. Em có chiều cao 148cm nhưng cả Đông Nam Á phải ngước nhìn với những gì em đạt được. Trong lời nói về thành tích của mình, Oanh đã cảm ơn cơ thể em vì đã chịu đựng được ý chí sắt đá của mình, để em chào sân chơi khu vực với 3 tấm huy chương vàng không tưởng. Vì trước đó em đã mất ngủ nhiều tháng trời chỉ vì thao thức và suy nghĩ về SEA Games.
Nguyễn Thị Oanh giành 3 HCV SEA Games 30.
Và SEA Games 30 vẫn phải nói tới một người rất quen - là Ánh Viên, nàng tiên cá “hai lúa” được bầu chọn là vận động viên xuất sắc nhất SEA Games lần này với 6 huy chương vàng. Để đạt được thành tích này, Ánh Viên đã phải đánh đổi cả tuổi thơ, tuổi trẻ của mình cho những chuyến tập luyện và thi đấu dài đằng đẵng.
SEA Games gần đây đã bị chê là “ao làng”, nước nào chủ nhà gần như đương nhiên sẽ đứng số 1 vì đưa vào giải những môn thi đấu lạ đời để “gặt” huy chương, thậm chí các quốc gia trong khu vực còn đùn đẩy nhau không đăng cai tổ chức. Nhưng với các vận động viên, những người chơi thể thao chuyên nghiệp, SEA Games vẫn là một đại hội thể thao, nơi họ chiến đấu vì màu cờ sắc áo, nơi họ rèn luyện, thử thách, cọ xát để từ “ao làng” mới trưởng thành, có cơ hội bước ra khu vực, thế giới.
Và ở SEA Games, đằng sau những chiến tích, những tấm huy chương lấp lánh còn là sự đổi đời của không ít vận động viên. Có người chỉ mong được tiền thưởng để mua cho bố mẹ một con trâu, mua cho anh chị em chiếc xe máy, có người chỉ mong mình sớm có tiền để sửa lại mái nhà, mua thuốc cho cha mẹ đang đau yếu... Dù rằng, những khoản tiền thưởng, sự tung hô giữa các môn thể thao và bóng đá vẫn là “một trời một vực”, và đâu đó ắt hẳn sẽ có sự ao ước, và cả chạnh lòng, tủi thân.
Nhưng với họ, sự chờ đợi vào SEA Games là hoàn toàn chính đáng. Họ đã vì màu cờ sắc áo, vì Tổ quốc thân yêu và thiêng liêng, đem cả tinh thần và sức lực, đam mê và tuổi trẻ của mình ra thi đấu. Những giọt mồ hôi, nước mắt, hành động đẹp của họ đã làm nên một vẻ đẹp SEA Games của tư duy và hành động.
Thể thao khiến con người ta hiểu, cảm thông, đoàn kết và thân ái với nhau hơn, trong đó bóng đá có vai trò nổi bật, là môn thể thao vua. Nhưng ở SEA Games, ngoài bóng đá, tất cả những môn thể thao khác cũng đáng được tôn vinh, đáng được ghi nhớ và đáng được chúng ta quan tâm hơn nữa rất nhiều.