Kết quả thanh tra cho thấy đã phát hiện nhiều sai phạm của các đơn vị liên quan, trong đó có Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Cụ thể, ngày 18/11/2019, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 (QL1) đoạn từ km1125 – km1265, tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Nội dung thanh tra gồm một số nội dung chính về việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh thiết kế cơ sở; việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn từ km1125 – km1265, tỉnh Bình Định và Phú Yên đã được Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 2 (sau này là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh), các nhà đầu tư và các nhà thầu đã khắc phục nhiều khó khăn, khẩn trương triển khai thực hiện.
Dự án có chiều dài khoảng 118 km, từ khi được thông xe kỹ thuật và nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần tăng cường năng lực giao thông từ Bắc vào Nam và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, sau 3 năm đưa vào khai thác, sử dụng, trong điều kiện mưa lũ lớn bất thường và kéo dài, đặc biệt vào các năm 2016 và 2017, các phương tiện giao thông có tải trọng lớn vẫn lưu thông trên các tuyến ngập lụt; vật liệu đá tại khu vực có độ dính bám kém; các cơ quan liên quan chưa xem xét đầy đủ, toàn diện các yếu tố kỹ thuật, đặc thù khí hậu tại khu vực… nên dự án đã xuất hiện nhiều vấn đề về chất lượng công trình.
Nhà chức trách xác định, nguyên nhân chính là do, trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh thiết kế cơ sở; thực hiện dự án đầu tư.
Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 (QL1) đoạn từ km1125 – km1265, tỉnh Bình Định và Phú Yên hoàn thành, tuy nhiên mới đưa vào sử dụng được 3 năm đã có vấn đề. (Ảnh minh hoạ)
Cụ thể, trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh thiết kế cơ sở, qua thanh tra nhận thấy thiết kế cơ sở dự án BOT Nam Bình Định sử dụng lại cống cũ ngang đường, thiết kế mặt đường bê tông nhựa tại một số vị trí thường xuyên ngập là chưa phù hợp với thực tế, thiếu đồng bộ, dẫn đến mặt đường tại khu vực đó luôn bị ngập khi thời tiết mưa, có nơi ngập sâu từ 30cm đến 60 cm, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Với Dự án TPCP, thiết kế cơ sở tại thiếu một số đoạn rãnh dọc và cống ngang đường, làm giảm khả năng thoát nước, sau 2 năm đưa công trình vào khai thác, sử dụng Bộ Giao thông vận tải đã phải bổ sung một số cống ngang, rãnh dọc cho phù hợp.
Thanh tra Chính phủ xác định, khi phê duyệt thiết kế cơ sở, Bộ GTVT cho phép phá dỡ 9 cầu cũ để xây mới, tuy nhiên khi quyết định điều chỉnh thiết kế cơ sở đã cho phép giữ lại 7 cầu cũ để sửa chữa, sử dụng, trong đó có 6 cầu được xác định lại tải trọng chỉ từ 22 tấn đến 25 tấn.
“Hiện tại trên toàn dự án, có 18/33 cầu cũ đang được gắn biển hạn chế tải trọng từ 22 tấn đến 25 tấn, mức tải trọng này không đồng bộ với tải trọng cho phép của đường QL1 sau cải tạo, mở rộng và cầu xây mới (tải trọng thiết kế HL-93, người đi bộ 3kN/m2, tương ứng khoảng 30 tấn) gây khó khăn cho quá trình khai thác và không phát huy cao nhất hiệu quả của dự án” – Kết luận nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ GTVT ban hành Văn bản 6112/BGTVT-CQLXD ngày 27/5/2014 thiếu cơ sở, đưa ra chủ trương điều chỉnh thiết kế cơ sở chưa đúng với quy định pháp luật về điều chỉnh dự án đầu tư.
Theo đó, Bộ này cho phép hạ tiêu chuẩn dự án không theo Tiêu chuẩn ngành 22TCN211-06, dẫn đến chất lượng mặt đường dự án thiếu tính đồng bộ nên không phát huy tối đa hiệu quả trong khai thác.
Bộ GTVT cũng cho phép hạ cao độ thiết kế không theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4054-2005; kiên quyết tháo dỡ 1.717,7 m và phá bỏ 504,58m rãnh thoát nước dọc đã thi công;
Bộ Giao thông vận tải được xác định có sai sót liên quan đến dự án này.
kiên quyết bỏ thiết kế rãnh dọc đối với đoạn chưa thi công nhưng sau này lại phải bổ sung một số đoạn tuyến; đối với một số cầu xây mới “cho phép châm chước yếu tố thủy văn như cầu cũ”.
Việc làm trên dẫn đến cao độ đáy dầm đều thấp hơn quy định trong tiêu chuẩn 22TCN 272:2005 từ 0,5 đến 1m, làm giảm khả năng thoát lũ, gia tăng tình trạng ngập lụt mặt đường.
Sau gần 2 năm công trình đưa vào khai thác sử dụng, mặt đường một số đoạn bị hư hỏng, Bộ GTVT đã phải xem xét, bổ sung cống ngang đường, rãnh dọc thoát nước tại những vị trí trước đó đã yêu cầu bỏ khi thiết kế bản vẽ thi công (dự án BOT Nam Bình Định).
Kết luận thanh tra cũng thể hiện, một số vị trí rãnh dọc đã thi công nhưng phải hạ cao độ cho phù hợp với việc hạ cao độ thiết kế, bên cạnh đó, Nhà thầu Cenco4 (gói thầu XL 04A, Dự án BOT Bắc Bình Định) đã thực hiện chưa đúng quy định, dẫn đến chiều cao rãnh giảm 15cm so với thiết kế bản vẽ thi công, làm hạn chế khả năng thoát nước.
Từ những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm nêu trên, khi công trình gặp yếu tố bất lợi về thời tiết như ngập lụt, mưa nhiều ngày liên tục, bất thường, nước mặt tích tụ thẩm thấu vào kết cấu bê tông nhựa, đồng thời dưới tác động của tải trọng xe với mật độ giao thông lớn, liên tục, thậm chí là xe chở quá tải đã phá vỡ khả năng dính bám của đá với nhựa và sức chịu đựng của bê tông nhựa, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng, ảnh hưởng đến nền đường, từ đó suy giảm chất lượng và tuổi thọ công trình.
Ngoài ra, Bộ GTVT chậm ban hành quy định về việc tổ chức khảo sát lưu lượng xe của đơn vị tư vấn trong giai đoạn lập dự án BOT Bắc và Nam Bình Định, đến ngày 21/3/2018, Bộ GTVT mới ban hành Quyết định số 543/QĐ-BGTVT về việc ban hành hướng dẫn yêu cầu chung với công tác điều tra, khảo sát lưu lượng, tải trọng và dự báo giao thông phục vụ công tác lập dự án đầu tư xây dựng đường bộ, ảnh hưởng đến chất lượng lập dự án và sự chính xác của phương án tài chính trong hợp đồng BOT.