Dân Việt

Trồng trà quý bán giá cao, người dân Ba Chẽ hết nghèo, khấm khá

Thu Hà 13/12/2019 07:00 GMT+7
Là địa phương khó khăn nhất tỉnh, nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, nhưng huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã quan tâm phát triển nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.

Điểm sáng ở Thanh Lâm

Gia đình ông Nịnh Cắm Sáng dân tộc Dao ở thôn Đồng Loóng, xã Thanh Lâm là một trong hàng trăm hộ nghèo được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo trên địa huyện Ba Chẽ.

Với diện tích vườn đồi 0,3ha, ông Sáng được hỗ trợ đầu tư trồng trà hoa vàng và trồng ba kích dưới tán trà hoa vàng. Ông Sáng cho biết: 0,3ha vườn đồi của gia đình ông trước đây chủ yếu là trồng sắn, trồng khoai lang, nuôi lợn nhưng không đem lại hiệu quả cao. Từ đầu năm 2018, được lãnh đạo huyện và xã tuyên truyền, ông mạnh dạn tham gia mô hình trồng ba kích dưới tán cây trà hoa vàng.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay cây trà hoa vàng bước đầu cho thu hoạch, vụ đầu tiên thu hoạch được 2 tạ lá trà và hoa, thu nhập được vài chục triệu đồng.

img

Nhờ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều hộ trên địa bàn xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ) đã mở rộng đầu tư mô hình trồng cây trà hoa vàng. ảnh Nguyễn Huế

Là địa phương xuất phát điểm với nhiều khó khăn, thời gian qua xã Thanh Lâm đã tập trung vào việc hỗ trợ sản xuất thực hiện dự án chăn nuôi lợn, trồng trà hoa vàng, trồng ba kích… với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng cho 136 hộ tham gia. Từ năm 2016 đến nay, xã có 224 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất với số tiền gần 9 tỷ đồng. Hằng năm, 100% người dân trong xã được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, hàng trăm học sinh được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập…

Đáng chú ý, để giúp người nghèo “an cư lạc nghiệp”, xã Thanh Lâm đã hoàn thành xây nhà cho người nghèo theo chương trình 167 từ cuối năm 2016 và là xã hoàn thành sớm nhất chương trình này ở huyện. 

Cùng với hỗ trợ sinh kế, xã cũng đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình đường nội thôn, đập chứa nước trên địa bàn Thanh Lâm để giúp người dân đi lại thuận tiện và có đủ nước tưới, phục vụ phát triển sản xuất. Trong năm 2018, xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ) cùng hoàn thành 2 việc khó là về đích nông thôn mới và đưa xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Năm nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Thanh Lâm chỉ còn 3,36%.

Đa dạng nguồn hỗ trợ, hiệu quả cao

Trong gần 4 năm qua, huyện Ba Chẽ đã triển khai một cách hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo quyết định của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

Đáng chú ý, Ba Chẽ đã lồng ghép thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, với Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hỗ trợ người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, chính sách an sinh xã hội.

img

Vườn ươm ba kích tím của HTX Toàn Dân ở xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh. Ảnh: Thu Hà

Cụ thể, từ năm 2016-2018, từ chương trình xây dựng nông thôn mới và Đề án 196, huyện Ba Chẽ đã triển khai 196 dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, với tổng kinh phí gần 35 tỷ đồng. Tổng số hộ được thụ hưởng hỗ trợ gần 3.600 hộ. Trong năm 2019 này, chỉ riêng nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Chẽ cũng triển khai tổng số 27 dự án phát triển sản xuất với tổng kinh phí gần 10,9 tỷ đồng, trong đó vốn nông thôn mới hỗ trợ trên 6,4 tỷ đồng, vốn dân đối ứng là trên 4,4 tỷ đồng. Chương trình 135 của huyện đã phê duyệt và triển khai 45 dự án với 1.185 hộ tham gia, tổng mức đầu tư lên đến 9,38 tỷ đồng.

Ba Chẽ đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất với quy mô trang trại, gia trại; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi đàn bò; ưu tiên phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với trồng dược liệu…

Đến nay, toàn huyện có 18 trang trại, gia trại, trong đó có 9 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Huyện đã triển khai 33 dự án phát triển sản xuất với sự tham gia của 154 hộ dân với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng; mở rộng diện tích vùng sản xuất tập trung một số cây chủ lực của địa phương, trồng dược liệu như ba kích tím, trà hoa vàng, mía tím, thanh long...

Không chỉ hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi mà nhiều chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo trên địa bàn huyện cũng được triển khai tích cực.

Tính đến ngày 10/9/2019, Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện doanh số cho vay 48,763 tỷ đồng, vốn chủ yếu tập trung chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo; giải quyết việc làm, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích để đầu tư vào sản xuất kinh doanh như trồng rừng, nuôi trâu, bò, lợn gà, phát triển kinh tế gia trại, trang trại...

Từ đó, tạo thu nhập ổn định, nhiều hộ có thu nhập cao, thoát nghèo bền vững và giảm tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh nghèo.

Qua các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần tích cực giúp huyện Ba Chẽ triển khai các giải pháp tăng thu nhập và thực hiện công tác giảm nghèo; đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng nông thôn được cải thiện và nâng cao. Đến hết tháng 9/2019, giảm 185 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 5,96% (giảm 3,48% so với đầu năm).

Ông Nguyễn Công Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Năm 2019, chủ đề công tác của huyện là "Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ; hoàn thành Chương trình 135". Vì thế, Ba Chẽ đang phát huy tối đa sức mạnh nội lực và huy động tốt các nguồn lực cho phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng; thu hút đầu tư để tạo việc làm, thu nhập cho các hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo phát triển kinh tế; ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo…

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.