Đất Cần Giuộc ngoài món mắm còng ra có món lạp xưởng tôm tươi từ lâu đã là một thương hiệu khá nổi tiếng.
Có người cho rằng lạp xưởng tôm là một biến tấu của lạp xưởng heo để cho phù hợp với người ngại tăng chỉ số cholesterol bởi thành phần tôm chiếm tới 60%, thịt nạc 20% và mỡ chỉ còn dưới 20%. Nhưng lạp xưởng tôm khó làm hơn lạp xưởng heo ở chỗ, phải dùng nguyên liệu thật tươi, chế biến thật kỹ thì lạp xưởng mới ngon, mùi tôm còn giữ nguyên và có độ dai nhất định.
Tôm thì chọn tôm đất cỡ lớn, sau khi chế biến sẽ có màu vàng pha hồng đẹp và vị ngọt thật đậm đà. Tôm đất sau khi lột vỏ, lấy hết chỉ lưng, quết chung với các loại gia vị. Đặc biệt, không thể thiếu tiêu sọ, một nửa giã nhỏ, một nửa để nguyên hạt trộn với hỗn hợp để khử mùi tanh của tôm và khi nướng lạp xưởng mới dậy mùi thơm.
Một vài nơi ở Sóc Trăng, Trà Vinh khi chế biến còn ướp qua chút rượu Mai Quế Lộ để lạp xưởng có mùi thơm đặc trưng và bảo quản lâu hơn. Nhưng người Cần Giuộc lại có cách bảo quản độc chiêu hơn, bằng cách dùng nước dừa tươi để luộc lạp xưởng dưới lửa riu riu cho đến khi nước dừa rút hết vào trong lạp xưởng rồi cất vô tủ lạnh. Món lạp xưởng chưng… nước dừa này không những có thể để lâu trong vòng từ 3 - 4 tháng, mà còn trông đẹp hơn, vị cũng thơm hơn.
Lạp xưởng tôm còn có thể dùng tươi bằng cách nướng trên bếp than hay lăn (chiên) với nước, mà nước dừa thì càng ngon. Cho nước vào xăm xắp canh lửa nhỏ rồi dùng đũa trở đều cho đến khi cạn nước thì chiếc lạp xưởng cũng đã chín vàng. Có người còn cho rằng lạp xưởng tôm tươi để ít ngày cho lên men sẽ có hương vị như nem chua, nhưng lại có cái ngọt béo của lạp xưởng, ăn ít ngán mà đưa cay cũng rất tuyệt.