Đó là vào một ngày đầu tháng 7/2019, Ban tổ chức cuộc vận động phát triển con đường hoa dã quỳ đã tổ chức xuống giống hơn 3.000 cây hoa từ chân đèo Sa Mù. Chỉ sau vài tháng, những ngày cuối năm 2019, dã quỳ đã rực rỡ hai bên đường đèo.
Mùa đông, dã quỳ vàng rực trên đèo Sa Mù.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của khu vực đèo Sa Mù, tour du lịch Sa Mù Hill cũng đã được thành lập.
Theo đó, trên hành trình này, du khách sẽ được tham quan, thưởng lãm cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua huyện Hướng Hoá, được thưởng thức cà phê Khe Sanh, check in vườn cúc hoạ my (ở xã Tân Hợp), vườn lan rừng Thảo Loan (ở xã Tân Liên), ghé sân bay Tà Cơn và thưởng thức món gà đồi...
Đặc biệt, ngay trên đỉnh đèo Sa Mù, du khách còn được vào thăm một trang trại nông nghiệp công nghiệp cao trồng hoa lan hồ điệp, dâu tây, cà chua thân gỗ, cẩm tú cầu,... trong cái lạnh đặc trưng của vùng tiểu Đà Lạt và sương mù giăng giăng.
Những bông hoa vàng tô điểm cho con đường thêm thơ mộng.
Ông Đào Ngọc Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị) cho biết, Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa trên đỉnh đèo Sa Mù được xây dựng năm 2016, nhằm nghiên cứu, khảo nghiệm các đối tượng cây trồng mới, các loại dược liệu quý và một số loại hoa có giá trị gia tăng cao, phù hợp với đặc điểm của tiểu vùng khí hậu Sa Mù.
Ông Đào Ngọc Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị) kiểm tra sự phát triển của lan hồ điệp.
Đến nay, trang trại của Trạm đang có hàng chục cây lan hồ điệp, một trang trại trồng dâu tây, cà chua thân gỗ,... Nhờ ứng dụng công nghệ cao nên các loại cây phát triển rất tốt, cho chất lượng cao.
Lan hồ điệp khoe sắc trên đỉnh đèo Sa Mù.
"Trạm của chúng tôi cũng là một điểm dừng chân của các du khách trên đèo Sa Mù, vào dịp cuối tuần du khách tìm đến tham quan trang trại rất đông. Tôi hy vọng trang trại của chúng tôi sẽ là một điểm đến ấn tượng, tạo điểm nhấn trên đỉnh Sa Mù, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng đất giàu tiềm năng nhưng còn nhiều khó khăn này" - ông Hoàng nói.
Trang trại dâu tây hàng nghìn cây sắp ra quả ngọt.
Ở Sa Mù hiện tại có rất nhiều địa điểm phát triển được du lịch. Ở chân đèo có con suối Chênh Vênh với thác nước hoang sơ tuyệt đẹp, còn vượt đỉnh đèo đến địa phận xã Hướng Việt sẽ có thác nước và hang động Tà Puồng.
Đi tiếp nữa, sẽ đến động Brai và các thác nước hùng vĩ giữa núi rừng. Đặc biệt hơn, đây là nơi sinh sống của đồng bào Vân Kiều với nhiều nét bản sắc văn hóa độc đáo. Nếu khai thác hợp lý, thu hút doanh nghiệp đầu tư, chắc chắn Sa Mù sẽ là một điểm đến hấp dẫn trong tương lai không xa.