Hồ tiêu hữu cơ có giá bán gần gấp đôi hồ tiêu thường. Ảnh minh họa
Là nước có sản lượng hồ tiêu xuất khẩu lớn nhất thế giới trong nhiều năm nhưng giá trị của hồ tiêu Việt Nam không cao. Để giải “bài toán” về giá trị này, nhiều doanh nghiệp đã liên kết cùng nông dân xây dựng các mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Giám đốc Công ty TNHH Sinh học tự nhiên Phú Quốc Võ Đức Huy cho biết: Năm 2017, Công ty đã đầu tư cho 12 hộ dân ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang trồng 11,5ha hồ tiêu theo quy trình hữu cơ và đến nay đã được 3 cơ quan uy tín của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu cấp chứng nhận sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của các hộ dân này được thu mua với giá 80.000 đồng/kg, trong khi giá hồ tiêu thường là 47.000 đồng/kg. Công ty đang nhân rộng mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ tại đây với tổng diện tích khoảng 100ha, xuất bán chủ yếu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…
Sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ cũng đang được nhiều nhà nông ở các tỉnh phía Nam áp dụng, nhân rộng.
Nhiều nông dân ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang áp dụng phương pháp canh tác lúa 1 phải (phải sử dụng giống xác nhận), 5 giảm (giảm lượng giống, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và thất thoát sau thu hoạch) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, Chính phủ hướng đến một nền sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Do đó, việc trở lại sản xuất hoà hợp với tự nhiên trở thành xu thế chung và mang lại hiệu quả cao cho kinh tế lẫn nông dân.
Cụ thể, hiện nhiều nơi đã áp dụng phương pháp hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đáp ứng cho thị trường xuất khẩu.
Ví dụ như cánh đồng không thuốc bảo vệ thực vật 500 ha tại xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang, giảm chi phí sản xuất 3,6 triệu đồng/ha, năng suất tăng từ 2-3 tấn/ha khi áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ và 1 phải (sử dụng giống xác nhận), 5 giảm (lượng giống, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và thất thoát sau thu hoạch).
Các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre đã sản xuất luân canh lúa - tôm theo phương pháp hữu cơ.
Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NNPTNT cũng đang ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc sinh học, thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại và được quản lý theo hướng bền vững.
Thời gian tới, Bộ sẽ siết chặt việc đăng ký và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, loại bỏ các loại thuốc độc hại ra khỏi danh mục. Khuyến cáo các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký thuốc có nguồn gốc sinh học, có thể bảo quản sau thu hoạch. Những loại thuốc này sẽ được ưu tiên đưa vào danh mục, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Trước tính hiệu quả khi áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ, các chuyên gia bảo vệ thực vật đề xuất, việc các doanh nghiệp và nông dân áp dụng quản lý sản xuất hữu cơ rất hiệu quả thời gian qua cần được mở rộng để khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam với người tiêu dùng thế giới.
Tuy nhiên, nông dân và doanh nghiệp không được sản xuất nông nghiệp hữu cơ đại trà bằng mọi giá. Vì vậy, Chính phủ và chính quyền địa phương phải quy hoạch quy mô vùng sản xuất hữu cơ trên cơ sở đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, bảo đảm lợi ích kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, cả nước hiện có 40 tỉnh, thành phố có mô hình trồng trọt hữu cơ với tổng diện tích khoảng 23.400ha; 12 tỉnh, thành phố chăn nuôi lợn hữu cơ với tổng đàn trên 64.200 con (trong đó, Hà Nội có khoảng 1.000 con); 6 tỉnh chăn nuôi gà hữu cơ với khoảng 273.000 con; Nghệ An, Lâm Đồng chăn nuôi 3.500 con bò theo hướng hữu cơ và 4 tỉnh nuôi trồng thủy sản hữu cơ với tổng diện tích khoảng 134.800ha. Hiện tại, Việt Nam đã có gần 20 doanh nghiệp xuất khẩu các loại rau quả hữu cơ ra thị trường thế giới, tổng sản lượng hằng năm đạt khoảng 260.000 tấn, giá trị hơn 15 triệu USD. Một số mặt hàng thủy sản hữu cơ cũng đã có mặt ở nhiều quốc gia với mức giá cao hơn khoảng 30% và tổng giá trị ước đạt trên 10 triệu USD/năm. |
"CHƯƠNG TRÌNH CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN"