Vốn ưu đãi đem về no ấm, dư dả
Nhờ được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) với mức vay bình quân từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/hộ, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn huyện Chợ Mới đã được hình thành, tạo việc làm và thu nhập cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo như mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi kết hợp trồng rừng, nuôi thả cá...
Chú thích ảnh: Từ vốn vay Ngân hàng CSXH, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Chợ Mới, Bắc Kạn đã có vốn phát triển kinh tế. Ảnh Thu Hà
Theo báo cáo của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, 9 tháng đầu năm nay, doanh số cho vay vốn chính sách trên địa bàn đạt hơn 77 tỷ đồng, tăng hơn 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ nguồn tín dụng ưu đãi này, đã giúp cho 1.786 hộ nghèo, 1.015 hộ cận nghèo, 187 hộ mới thoát nghèo; 403 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, 2.356 hộ gia đình tại vùng khó khăn có vốn đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; 55 học sinh sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; 2.404 hộ vay vốn để xây dựng cải tạo công trình nước sạch, công trình vệ sinh…
Từ năm 2007 đến nay, chị Triệu Thị Nga, dân tộc Dao ở thôn Nà Quang, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới đã có nhiều lần vay vốn từ Ngân hàng CSXH, với tổng số tiền lên tới 187 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi, trồng rừng và nuôi 3 con học đại học.
Chị Nga tâm sự: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong thôn, bởi nhà đông con, hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định và gia đình cũng không có đất ruộng để canh tác. Từ năm 2007 đến nay, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH huyện Chợ Mới cho vay 3 lần theo chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số vốn hơn 80 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu, trồng rừng.
Hiện, gia đình chị Nga đang có 6ha rừng keo phát triển tốt và 8 con trâu cái sinh sản, trừ các khoản chi phí, đạt thu nhập bình quân 70 - 80 triệu đồng/năm. Từ năm 2016, gia đình chị đã thoát nghèo bền vững.
Cùng với cho vay vốn ưu đãi chương trình hộ nghèo, chị Nga còn được Ngân hàng CSXH cho vay vốn ưu đãi chương trình học sinh sinh viên để nuôi các con ăn học đại học.
Tương tự, nhiều năm trước, gia đình ông Lường Văn Đoan ở thôn Bản Áng, xã Thanh Bình thuộc diện khó khăn, nguyên nhân do thiếu vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Nông dân ở địa phương, gia đình ông được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng CSXH để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, bò, thả cá và trồng rừng. Sau khi đã có thu nhập từ chăn nuôi, ông lại tiếp tục vay thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất.
Hiện nay, gia đình ông Đoan có 9 con bò nuôi nhốt, hơn 1.000 con gà, 2.000m2 ao thả cá và 2ha rừng keo, mỡ 3 năm tuổi, cuộc sống đã dư dả hơn trước và có của ăn của để.
Đa dạng chính sách hỗ trợ người nghèo, xã nghèo
Song song với triển khai chương trình vốn ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo, huyện Chợ Mới đã thực hiện hỗ trợ các xã xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng... Từ năm 2016 - 2018, huyện đã sử dụng nguồn kinh phí được giao hơn 27 tỷ đồng để xây dựng gần 40 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nhà văn hóa và hơn 1 tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng gần 30 công trình.
Đối với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, huyện đã thực hiện hỗ trợ mua giống vật nuôi, cây trồng, vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, công cụ sản xuất với tổng vốn hơn 6 tỷ đồng.
Với các xã ngoài Chương trình 135, huyện cũng đã hỗ trợ hơn 500 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng cây khoai môn ở xã Quảng Chu, Như Cố, Thanh Vận; trồng cây cam xã Đoài tại Quảng Chu và Mai Lạp. Huyện cũng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp tổ chức được 4 lớp truyền thông về giảm nghèo, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, trưởng thôn và cán bộ làm công tác giảm nghèo.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện Chợ Mới đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đời sống người dân được nâng cao.
Hiện nay, huyện có 5/8 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. 32,6% thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa. 100% số xã có trạm y tế có đủ điều kiện khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế. 98% người dân được sử dụng nước sạch và điện lưới quốc gia. 100% xã có trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. Hơn 800 người được tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Chợ Mới giảm bình quân từ 2,5 - 3%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Nếu như năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 23,32%; năm 2017 chiếm 21,25% thì đến cuối năm 2018 giảm còn 18,69%. |
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.