Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ NN&PTNT tiếp tục tháo gỡ, vừa bằng thể chế chính sách, vừa bằng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, đặc biệt là thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh để đưa thêm nhiều thành phần kinh tế, doanh nghiệp vào phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Cá tra Việt Nam được chế biến ra trên 80 sản phẩm. Ảnh: V.S
Chính vì thế, nông, lâm, thủy sản là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2019 đã thành lập mới được 6 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.455 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 15.434 HTX nông nghiệp, trong đó có 72,89% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%), tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%.
Cùng với đó, cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018; các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, có 30 dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng đã hoạt động và đang triển khai trên cả nước, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản. Riêng trong năm 2019, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động.
Nông dân tỉnh Bắc Kạn trồng nghệ theo hướng hữu cơ có sự liên kết với doanh nghiệp, được doanh nghiệp bao tiêu với giá ổn định. Ảnh: Minh Ngọc
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi (tăng 388 chuỗi so với năm 2018), 2.374 sản phẩm (tăng 948 sản phẩm) và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản ATTP theo chuỗi (tăng 93 địa điểm).
Đồng thời, Bộ đã cùng các địa phương, doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; Chuỗi liên kết ngành hàng lâm sản chủ lực; Chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của 10.000 hộ trồng lúa ở vùng ĐBSCL.
Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước có 1,3 triệu ha nuôi trồng thủy sản và dự báo sẽ tăng lên 1,5-1,7 triệu ha trong thời gian tới với kịch bản biến đổi khí hậu hiện nay. Ngay cả những phụ phẩm thủy sản hay phần còn lại sau khi chúng ta chế biến thực phẩm cho người thì lại nguyên liệu đầu vào cho ngành hàng khác rất có giá trị… Đó chính là tiềm năng rất lớn để nâng cao giá trị của ngành thủy sản.
Thực hiện việc tái cơ cấu ngành thủy sản, Tổng cục thủy sản đã tổ chức lại sản xuất, có những tổ hợp, HTX tăng lên từng ngày, những liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành cũng đã mang lại những giá trị rất cao. “Tôi lấy ví dụ trong ngành sản xuất cá tra, hiện tại với 5.400ha chúng ta đang sản xuất cá tra thì bà con đều có lãi với trên 80 sản phẩm từ cá tra thay vì 1-2 sản phẩm phi lê và xuất thô như trước đây. Hay trong lĩnh vực tôm, số lượng HTX tham gia liên kết với các nhà máy chế biến cũng tăng lên rất nhiều” - ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản phân tích.
Đối với lĩnh vực sản xuất lúa, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao và việc cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo có nhiều chuyển dổi mạnh mẽ; tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, vì vậy đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019.