Tất cả các thành viên của HTX đều tham gia trồng lúa và đạt chuẩn Global GAP và đều yên tâm về đầu ra vì đã có phía doanh nghiệp thu mua với mức gia cao hơn lúa thị trường.
Toàn bộ lúa thu hoạch từ vùng nguyên liệu chuẩn Global GAP Mỹ Thành Nam không còn tồn dư thuốc BVTV, truy xuất được nguồn gốc, an toàn cho sức khỏe người dùng; đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu.
Nhận thấy những lợi ích to lớn, từ hơn 7 năm nay các thành viên của HTX Mỹ Thành Nam đều rủ nhau trồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP. Ảnh: IT
Ruộng sản xuất theo Global GAP quản lý dịch hại tốt hơn, lúa phát triển tốt, khỏe hơn rõ rệt; chi phí sản xuất giảm hơn nhiều so với ruộng thông thường; năng suất và chất lượng lúa tăng nên bán được giá cao hơn so với lúa thông thường. Nông dân trồng lúa Global GAP có lợi nhuận tăng lên ước khoảng 20%/năm.
Là người tham gia trồng lúa theo tiêu chuẩn Global từ những ngày đầu, ông Trương Văn Hạnh, thành viên HTX cho biết: gia đình canh tác 1,9 ha, nếu canh tác theo tập quán cũ, sạ dày, sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan không mang lại hiệu quả như mong muốn, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống… nên ông quyết tâm thay đổi phương thức canh tác thông qua việc ứng dụng đồng bộ những giải pháp thâm canh khoa học để giảm chi phí, tăng lợi nhuận vừa đảm bảo được chất lượng lúa gạo hàng hóa tham gia thị trường trong nước, xuất khẩu.
Từ khi tham gia các chương trình kể trên, ông giảm được phân nửa lượng giống gieo sạ (chỉ dùng 100 kg giống/ha), bón phân cân đối, giảm được sâu bệnh trong khi lúa chắc khỏe, cho năng suất cao, chi phí giảm hẳn. Lợi nhuận do vậy cao gấp 1,5 - 2 lần trước đây.
Có vốn liếng tích lũy được từ trồng lúa, ông mua thêm phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất: Máy tuốt lúa, máy xới đất, máy gặt xếp dãy… vừa phục vụ ruộng nhà, vừa làm thuê cho bà con để tăng thu nhập cho gia đình. Ông còn đầu tư làm chuồng trại nuôi thêm heo nái, nuôi bò… nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông thay đổi hẳn, trở thành một trong những nông dân giàu có ở vùng lũ lụt phía Tây của tỉnh.
Ông Trương Văn Hạnh, thành viên tích cực và kiên trì theo đuổi con đường sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP ở HTX Mỹ Thành Nam. Ảnh: IT
Có được kết quả đó, ông Trương Văn Hạnh càng thấu hiểu những khó khăn, thuận lợi, hạn chế trong trình độ sản xuất của nông dân những vùng đất khó. Từ đó, ông tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ bà con trong xóm, ấp cùng áp dụng nhưng tiến bộ kỹ thuật mới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, đã hình thành nên cánh đồng trồng lúa theo tiêu chí Global GAP trên địa bàn ấp 5, xã Mỹ Thành Nam quy tụ hàng trăm nông dân.
Ông Huỳnh Phương Nam, xã viên HTX Mỹ Thành Nam chia sẻ thêm: “Tham gia mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP, tôi thấy chi phí đầu tư cho sản xuất như phân thuốc, vật tư nông nghiệp giảm hẳn; hạn chế sâu bệnh; năng suất lúa tăng lên cả trong những vụ nghịch mùa; chất lượng hạt lúa tốt hơn và lợi nhuận được nhiều hơn hẳn”.
Mặc dù việc làm lúa theo chuẩn Global GAP và duy trì việc tái cấp chứng nhận Global GAP đòi hỏi rất nhiều công sức và chi phí nhưng theo ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX Mỹ Thành Nam: “Chúng tôi đã duy trì làm lúa chuẩn Global GAP tới nay đã hơn 7 năm vì có nhiều lợi ích: Nông dân được cung cấp giống chuẩn, đầu tư phân thuốc, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo chuẩn Global GAP; đồng thời doanh nghiệp cũng bao tiêu toàn bộ lúa với giá cao hơn thị trường. Làm lúa theo mô hình này, lợi nhuận của nông dân cao hơn hẳn so với làm lúa thông thường.”
"CHƯƠNG TRÌNH CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN"