Clip: Vườn quýt lạ của gia đình ông Phạm Hồng Sơn tại Kéo Pjềng, thôn Khuổi Rẹt, xã Thanh Mai (Chợ Mới, Bắc Kạn)
Lộc trời nơi đỉnh non
Gọi là đỉnh non hay đỉnh trời đều đúng cả bởi Kéo Pjềng hun hút vòi vọi án ngữ giữa ngàn mây. Trên đó chỉ có dăm ba nóc nhà, mỗi nhà cách nhau vài ba ngọn núi. Gọi không nghe tiếng, hú chỉ nghe thanh âm vọng lẫn vào mây nhưng mắt nhìn lại rõ mồn một bạt ngàn quýt, cam mướt mát trải rộng vô cùng. Ấy là rừng cam, quýt của những hộ làm kinh tế trên Kéo Pjềng xa xôi hẻo lánh này.
Rừng quýt của gia đình ông Phạm Hồng Sơn nằm ngay đỉnh Kéo Pjềng, đường vào lán trại chỉ những ai thạo rừng, cứng lái mới đi xe vào đến nơi. Dốc hun hút, rậm rạp đến lạnh người, ấy mà lúc nào cũng tấp nập người vào ra bởi ông Sơn đang sở hữu một rừng quýt lạ, quả to, cho vị ngọt đậm mà vẫn đảm bảo thơm, mọng nước và có độ chua nhất định của quýt.
Ông Sơn đang sở hữu 3ha cây quýt có vị ngọt đậm khác thường tại đồi nhà.
Quýt nhà ông Sơn rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hôm nay cũng như bao hôm khác, ông Sơn lại cặm cụi cắt quả cho khách, quýt bản địa đang rộ mùa, tuy nhiên quýt nhà ông lại đã là cuối vụ. Ông Sơn hiện đang sở hữu 3ha trồng cây quýt lạ đã cho quả 2 năm nay. Ông bảo, giống quýt này cho quả sớm vụ hơn quýt bản địa, thường được thu hoạch trước các loại quýt khác đến cả tháng, quả to, có vị ngọt đậm, thơm, mọng nước mà vẫn đảm bảo độ chua của quýt nên rất được người tiêu dùng ưa thích.
Theo ông Sơn, trước đó gia đình ông trồng quýt Quang Thuận, giống quýt bản địa có mùi hương rất thơm tuy nhiên lại khá chua nên chỉ tiêu thụ được ở loanh quanh Bắc Kạn hoặc Thái Nguyên. Sau ông phát hiện trong rừng quýt của mình trồng từ năm 1990 có ba cây quýt lạ, quả to bằng nắm tay người lớn, mọng nước, thơm và cho vị ngọt lạ thường chứ không chua như quýt bản địa, ông cũng không biết vì sao.
“Lúc đầu chỉ để ăn, làm quà thôi, mà cây sai quả lắm, mỗi cây cũng cho 2-3 tạ, tôi đã thử đem bán, người mua rất thích, tuy nhiên vì chỉ có 3 cây nên không đủ đáp ứng. Sau này tôi đã thuê kỹ sư từ Hòa Bình về lấy mắt từ ba cây mọc tự nhiên cho quả lạ này để ghép, nhân giống, chi phí khá cao, song đổi lại tôi đã có 3ha cây quýt này, mà giá bán gấp 4-5 lần quýt bản địa. Đúng là lộc trời”, ông Sơn nói.
“Lúc đầu người ta còn nghi hoặc tôi nhập quýt Trung Quốc về bán, tuy nhiên điểm khác giữa quýt Trung Quốc với quýt của vườn nhà tôi rất dễ phân biệt. Quýt Trung Quốc ngọt nhưng không có vị chua của quýt, múi không mọng nước và không có hạt. Còn quýt nhà tôi thơm, mọng, ngọt, có hạt và có vị chua nhất định của quýt”, ông Sơn cho biết.
Theo dõi, lựa cây đầu dòng
Bắc Kạn có giống quýt bản địa nổi tiếng bởi mùi hương ngào ngạt, tuy nhiên quả lại khá chua, chỉ người quen dùng mới ăn nổi. Chính bởi đó mặc dù quýt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý (ngày 14/11/2012) tuy nhiên lại khó vươn ra thị trường lớn bởi nhược điểm chua hơn so với quýt ở các vùng khác.
Việc xuất hiện 3 cây quýt lạ tuổi ngót nghét 30 năm, quả to, thơm, cho vị ngọt đậm mà vẫn đảm bảo mọng nước và có độ chua nhất định của quýt ở rừng quýt của gia đình ông Phạm Hồng Sơn tại Kéo Pjềng, thôn Khuổi Rẹt (Thanh Mai, huyện Chợ Mới) có thể sẽ mở ra một hướng đi mới cho người trồng quýt Bắc Kạn.
Nếu bảo tồn, phát triển tốt giống quýt này sẽ giải được bài toán về độ chua của quýt Bắc kạn.
Anh Triệu Văn Long, trưởng thôn Khuổi Rẹt chia sẻ, trong thôn hiện có rất nhiều hộ gia đình trồng quýt, tuy nhiên đa phần là quýt bản địa, muốn trồng giống quýt lạ của gia đình ông Phạm Hồng Sơn bà con lại không có giống. Thôn có ông Phạm Chí Thành và ông Nguyễn Thanh Trì cũng mới trồng loại quýt trên, tuy nhiên không nhiều.
Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết, về quả quýt ở Khuổi Rẹt, tôi rất mong muốn tỉnh sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng nghiên cứu nhân rộng giống quýt này, vì hiện nay giống quýt trên đã bước đầu có phản hồi tốt từ thị trường.
“Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở NN &PTNT xuống khảo sát. Nếu nhân giống được, triển khai mô hình trồng cây quýt này trên địa bàn, quýt của Bắc Kạn sẽ đi về miền xuôi dễ hơn”, ông Việt nói.
Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, vườn quýt của nhà ông Sơn đang được theo dõi để tìm ra những cây chất lượng tốt, năng suất cao nhất chọn làm cây đầu dòng để bảo tồn, nhân giống.
Liên quan đến cây quýt lạ ở Kéo Pjềng, thôn Khuổi Rẹt, xã Thanh Mai (huyện Chợ Mới), ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện nay vẫn đang trong quá trình theo dõi, vì những cây quýt này được nhân giống từ 3 cây bố mẹ tại rừng nhà ông Sơn, cũng mới cho quả được hai năm nên cần theo dõi sự phát triển để tìm ra cây chất lượng tốt, năng suất cao nhất chọn làm cây đầu dòng để bảo tồn, nhân giống.
“Phải tầm 2 năm nữa mới đủ theo quy định điều kiện về chọn cây đầu dòng, bởi cây quýt bố mẹ tại rừng quýt nhà ông Sơn đã già cỗi, chúng tôi phải lựa chọn từ lứa cây mới được ông Sơn lấy mắt từ các cây bố mẹ ghép và trồng năm 2012. Theo quy định hướng dẫn của Bộ, cây đủ điều kiện làm cây đầu dòng đối với cây ăn quả phải từ 8 năm trở lên”, ông Cương cho biết thêm.